Báo Công An Đà Nẵng

Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất cơ chế giải quyết khủng hoảng Nga-Ukraine sau vụ vỡ đập

Thứ sáu, 09/06/2023 10:35
Lũ do vỡ đập Nova Kakhovka nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở Kherson.

Đập Nova Kakhovka, một trong những đập lớn nằm trên sông Dnieper ở miền Nam Ukraine, đã bị vỡ hôm 6-6, khiến hàng chục nghìn người phải di tản khỏi khu vực, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một thảm họa sinh thái. Kiev và Moscow đã đổ lỗi cho nhau về việc con đập bị vỡ. Chính quyền của Tổng thống Biden cho biết họ đang làm việc với các đối tác Ukraine để tìm hiểu nguyên nhân.

Trong các cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi nhậm chức với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và sau đó với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Erdogan đã đưa ra đề xuất thành lập một cơ chế có sự tham gia của các chuyên gia Nga và Ukraine, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan chỉ ra cơ sở cho đề xuất này là cơ chế chung được gọi là sáng kiến thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. "Tổng thống Erdogan nói rằng một ủy ban có thể được thành lập với sự tham gia của các chuyên gia từ các bên liên quan, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, để điều tra chi tiết về vụ nổ ở đập Kakhovka", Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một thông báo.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, ông Erdogan nhấn mạnh sự cần thiết của một "cuộc điều tra toàn diện về sự cố tại con đập". Trong khi đó, điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin chỉ trích vụ tấn công đập Kakhovka ở Kherson, miền Nam Ukraine là "hành động man rợ". Chủ nhân Điện Kremlin cáo buộc Ukraine theo lệnh của phương Tây tiếp tục đặt cược vào con đường leo thang căng thẳng nguy hiểm. Ông cho rằng, vụ vỡ đập Kakhovka sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo và sinh thái ở hạ nguồn.

Khi trao đổi với ông Erdogan, Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhắc lại nhu cầu cấp thiết của Kiev nhằm tránh thảm họa sau khi đập Nova Kakhovka bị vỡ. Trong các cuộc điện đàm, ông Erdogan cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng giữa hai quốc gia đang có xung đột. Chính quyền Ukraine cho biết, đập Kakhovka đã ở đỉnh lũ và nước lũ có thể rút trong 2-4 ngày tới, song hậu quả để lại vẫn sẽ rất lớn. Ít nhất 24 ngôi làng đã bị ngập sau vụ vỡ đập, khoảng 17.000 người được sơ tán khỏi khu vực phía tây sông Dnieper do Ukraine kiểm soát. Tổng thống Zelensky hôm 7-6 kêu gọi Liên hợp quốc và Hội chữ thập đỏ hỗ trợ khẩn cấp. Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg cho biết sẽ chủ trì cuộc họp của một ban điều phối khẩn cấp với Ukraine để thảo luận về sự cố vỡ đập. Pháp cũng cam kết sẽ gửi viện trợ cho Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO hiện vẫn duy trì được quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Các cuộc điện đàm phản ánh nỗ lực của ông Erdogan nhằm mở rộng vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga - một chương trình nghị sự mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy trước đây. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã làm trung gian cho thỏa thuận về Biển Đen giữa Kiev và Moscow vào năm ngoái, cho phép ngũ cốc và các sản phẩm khác của Ukraine tiếp cận thị trường thế giới. Ankara cũng tổ chức một loạt cuộc gặp giữa các ủy viên nhân quyền Ukraine và Nga để tiến hành trao đổi tù nhân giữa hai nước.

T.N