Tác động của vụ vỡ đập Kherson đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine

Thứ năm, 08/06/2023 11:57
Vụ vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine, đang làm lu mờ bức tranh về cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine.

Cản trở Ukraine phản công

Vụ vỡ đập chiến lược Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine hôm 6-6 đang đặt ra những câu hỏi về tác động của nó đối với cục diện xung đột Nga - Ukraine thời gian tới. Các nhà phân tích cho biết, sự cố vỡ đập xảy ra đúng thời điểm Ukraine chuẩn bị phát động một cuộc phản công. Nó có thể khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc triển khai hành động mặc dù Kiev chưa tiết lộ hướng tấn công dự kiến.

Theo một cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, vụ vỡ đập Nova Kakhovka sẽ chấm dứt hy vọng về khả năng quân đội Ukraine có thể tiến hành một cuộc phản công trên tuyến đường thủy này. Sông Dnieper là ranh giới tự nhiên giữa các khu vực do Ukraine và Nga kiểm soát ở Kherson, với quân đội Kiev ở bờ Tây và Moscow ở bờ Đông của con sông. Khu vực này từng được coi là một địa điểm khả thi cho cuộc phản công vào mùa xuân của Ukraine. Tuy nhiên, ông Andriy Zagorodnyuk, cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, cho rằng, với việc vỡ đập, một cuộc tấn công đổ bộ qua sông Dnieper hiện không còn khả thi. "Vỡ đập Nova Kakhovka khiến việc vượt sông để phản công là bất khả thi. Ngay cả việc tiến hành các hoạt động tấn công trong toàn bộ khu vực đó cũng sẽ gặp khó khăn hơn nhiều", ông Zagorodnyuk giải thích.

Ben Barry, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: "Hãy nhớ rằng Nga đang ở thế phòng thủ chiến lược và Ukraine đang ở thế tấn công chiến lược, trong ngắn hạn, đó chắc chắn là một lợi thế cho Nga. Cho đến khi nước rút, người Nga sẽ có lợi thế hơn, vì ngập lụt khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc tấn công các điểm vượt sông".

Maciej Matysiak, chuyên gia an ninh tại Stratpoints Foundation, cho rằng nước lũ tràn vào khu vực này sẽ ngăn cản việc triển khai vũ khí hạng nặng, như xe tăng, trong ít nhất một tháng. "Điều này tạo ra một vị trí phòng thủ rất tốt cho người Nga", ông Matysiak nói.

Tác động đến hệ sinh thái

Theo hãng tin TASS, đầu giờ sáng 7-6, mực nước lũ tại thành phố Nova Kakhovka sau vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka ở tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine, đang giảm dần. Trong thông báo trên kênh Telegram, chính quyền sở tại nêu rõ nước bắt đầu rút trên các tuyến đường ngập lụt trước đó của thành phố. Trung tâm ứng phó tình trạng khẩn cấp ở Nova Kakhovka cho biết mực nước đã giảm xuống 35mm. Thị trưởng Vladimir Leontyev cũng đã xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết hơn 900 người đã được sơ tán khỏi các khu vực ngập nước trong ngày 6-6. Cũng theo ông Leontyev, ít nhất 7 người đã bị mất tích.

Sau vụ vỡ đập, đất canh tác dọc sông Dnipro cũng đã bị cuốn trôi. Trong khi đó, kênh dẫn nước Bắc Crimea có nguy cơ bị cạn. Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá đây là một "thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn". Hiện LHQ đang phối hợp với Chính phủ Ukraine để gửi hỗ trợ nước uống và dụng cụ lọc nước. Trong khi đó, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết vỡ đập Kakhovka sẽ dẫn tới việc thiếu nước làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và có thể làm gián đoạn hoạt động của các máy phát điện khẩn cấp.

Nga- Ukraine vẫn đổ lỗi cho nhau

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6-6 đã họp khẩn cấp theo đề nghị của cả Nga và Ukraine liên quan đến vụ vỡ đập Kakhovka ở Kherson, miền Nam Ukraine. Tại cuộc họp, Đại sứ Nga và Ukraine tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia đã cáo buộc lẫn nhau phá hoại đập Kakhovka, trong khi Mỹ không chắc bên nào là thủ phạm. "Hành động cố tình phá hoại của Kiev nhằm vào một cơ sở hạ tầng quan trọng là cực kỳ nguy hiểm, có thể được coi là tội ác chiến tranh hoặc chủ nghĩa khủng bố", Đại sứ Vassily Nebenzia phát biểu. Đại sứ Nebenzia cáo buộc Ukraine tìm cách tạo "cơ hội có lợi" để tái bố trí các đơn vị quân đội, nhằm tiếp tục một đợt phản công. Ông cũng cho rằng Ukraine muốn khiêu khích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hoặc lấy đi nguồn cung nước cho bán đảo Crimea.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya lại cáo buộc Nga "có hành động khủng bố nhằm vào hạ tầng quan trọng của Ukraine", nhưng không cung cấp bằng chứng. "Không thể phá hoại đập từ bên ngoài bằng pháo kích. Đập đã bị phía Nga cài mìn rồi cho nổ tung", theo ông Kyslytsya.

Khi được hỏi bên nào phải chịu trách nhiệm, Phó đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood trả lời trước cuộc họp rằng Washington "không chắc chắn" và hy vọng "sẽ có thêm thông tin trong những ngày tới". Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cũng cho biết Mỹ "chưa thể nói một cách thuyết phục rằng chuyện gì đã xảy ra". "Chúng tôi đang thu thập thông tin và trao đổi với phía Ukraine", ông nói.

AN BÌNH