Thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine: Kiev kiểm soát, chính quyền ông Trump được gì?
Mỹ và Ukraine chốt thỏa thuận
Ngày 30/4/2025, Mỹ và Ukraine chính thức ký kết thỏa thuận khai thác khoáng sản với Mỹ, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương và cục diện địa chính trị khu vực.
Thỏa thuận do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký tại Washington, hiện đang chờ Quốc hội Ukraine phê chuẩn.
Trên Telegram, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal lưu ý Kiev sẽ giữ "quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên". Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng Mỹ sẽ nhận được nhiều hơn 350 tỷ USD. Đây là số tiền mà ông Trump từng đề cập về tổng giá trị viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Nhưng có nhiều số liệu khác nhau về tổng giá trị viện trợ.
Theo ông Shmyhal, viện trợ quân sự trong tương lai từ phía Mỹ có thể được tính là một phần đóng góp vào quỹ, nhưng các khoản viện trợ trước đó sẽ không được tính.
Thỏa thuận quy định hai bên sẽ cùng khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản tại Ukraine, với doanh thu được chuyển vào một "Quỹ đầu tư tái thiết" do Washington và Kiev đồng quản lý. Theo ông Shmyhal, quỹ này sẽ thu hút nguồn lực lớn cho tái thiết đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp cận công nghệ tiên tiến từ Mỹ.
Ông Bessent cũng xác nhận, thỏa thuận khoáng sản là một thông điệp rõ ràng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ theo đuổi một thỏa thuận hòa bình dài hạn, khẳng định sự "liên kết chiến lược dài hạn" giữa Mỹ và Ukraine như cam kết của ông Trump. Mỹ cam kết hỗ trợ an ninh, thịnh vượng và hội nhập kinh tế toàn cầu cho Kiev.
Tuy nhiên, văn kiện không đưa ra đảm bảo an ninh cụ thể, một yếu tố mà Tổng thống Volodymyr Zelensky từng kỳ vọng để ngăn Nga trong tương lai.
Với nhiều chuyên gia, thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine không chỉ mở ra cơ hội kinh tế cho cả hai bên mà còn phản ánh nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho Mỹ, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Để đạt được thỏa thuận hôm 30/4, Mỹ và Ukraine đã có nhiều vòng đàm phán căng thẳng và một lần thất bại đáng chú ý. Từ đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Trump đã gây sức ép mạnh mẽ với Ukraine để đạt thỏa thuận khai thác khoáng sản.
Đầu tháng 2/2025, ông cử Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đến Kiev đàm phán với Tổng thống Ukraine Zelensky, sau đó công khai thúc ép Ukraine ký kết.
Ban đầu, Mỹ yêu cầu Ukraine bồi hoàn 500 tỷ USD từ doanh thu tài nguyên để đổi lấy viện trợ quân sự và tài chính, một đề xuất bị Zelensky phản đối mạnh mẽ vì thiếu đảm bảo an ninh và tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận không công bằng.
Cuộc gặp tại Nhà Trắng vào ngày 28/2 giữa ông Trump và ông Zelensky đánh dấu mâu thuẫn cao điểm, khi hai bên tranh cãi gay gắt và không đạt được thỏa thuận.
Sau đó, Mỹ điều chỉnh, loại bỏ yêu cầu 500 tỷ USD và tập trung vào lợi nhuận dài hạn từ quỹ đầu tư chung. Đến ngày 30/4, sau các cuộc thương thảo tại Ả Rập Xê Út và Munich, thỏa thuận cuối cùng được ký kết, đánh dấu bước tiến trong quan hệ song phương.
Kiev giữ "quyền kiểm soát hoàn toàn”, chính quyền ông Donald Trump được gì?
Thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine được ký trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn ba năm, gây thiệt hại nặng nề cho Kiev và làm phức tạp quan hệ Mỹ-EU-Nga. Ông Trump, với cam kết khi tranh cử chấm dứt xung đột nhanh chóng, coi thỏa thuận khoáng sản là đòn bẩy để đạt mục tiêu kép: đảm bảo lợi ích kinh tế cho Mỹ và thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Ông Trump cho rằng viện trợ cho Ukraine là "không công bằng" và cần được bù đắp bằng tài nguyên, đặc biệt là đất hiếm, thứ Mỹ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-EU trở nên căng thẳng khi châu Âu lo ngại Ukraine sẽ phụ thuộc quá mức vào Mỹ, làm suy yếu vai trò của EU trong khu vực. Trong khi đó, Nga cũng có nhiều lý do để cảnh giác với thoả thuận khoáng sản này. Moscow cũng giữ lợi thế khi kiểm soát một phần tài nguyên ở miền đông Ukraine, có thể khai thác hoặc ngăn Mỹ tiếp cận.
Ông Trump, với tầm nhìn từ nhiệm kỳ đầu (2017-2021), đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản thiết yếu an toàn, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc - quốc gia vốn kiểm soát phần lớn sản lượng và chế biến đất hiếm toàn cầu. Ý tưởng tiếp quản tài nguyên từ các quốc gia khác như vùng đất Greenland hay Canada từng được ông Trump đề cập, nhưng Ukraine, với trữ lượng khoáng sản trị giá 12 nghìn tỷ USD, có lẽ đã trở thành mục tiêu chiến lược.
Thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine được đánh giá sẽ mang lại cho Mỹ cơ hội chiến lược để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm và khoáng sản thiết yếu. Ukraine sở hữu khoảng 5% trữ lượng khoáng sản toàn cầu, bao gồm titanium, lithium, mangan, và đất hiếm. Đây là những nguyên liệu quan trọng cho công nghệ quân sự, xe điện, và trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) - lĩnh vực ông Trump đặt ưu tiên trong nhiệm kỳ hai.
Ngoài ra, quỹ đầu tư chung cho phép Mỹ kiểm soát một phần đáng kể doanh thu từ tài nguyên Ukraine, đảm bảo lợi ích kinh tế dài hạn. Ông Trump cũng đạt được thắng lợi chính trị khi thỏa thuận giúp "lấy lại giá trị" từ viện trợ trước đó, đáp ứng cam kết với cử tri về việc giảm chi phí hỗ trợ nước ngoài.
Ukraine được xem là "kho báu khoáng sản" của châu Âu. Thỏa thuận mang lại cho Ukraine nguồn vốn tái thiết, công nghệ tiên tiến từ Mỹ, và cơ hội hội nhập kinh tế toàn cầu. Kiev cũng giữ quyền kiểm soát tài nguyên dưới lòng đất, tránh được kịch bản mà Zelensky lo ngại.
Tuy nhiên, lợi ích kinh tế thực tế có thể hạn chế do không dễ khai thác thương mại. Ukraine cũng phải chia sẻ 50% doanh thu, trong khi không nhận được đảm bảo an ninh cụ thể, khiến Kiev phụ thuộc nhiều vào thiện chí của Mỹ.
Đối với Nga, thỏa thuận làm gia tăng nguy cơ Mỹ củng cố ảnh hưởng ở Ukraine, đặc biệt nếu Washington có những động thái mạnh hơn. Tuy nhiên, Moscow vẫn nắm lợi thế khi kiểm soát các mỏ ở miền đông, có thể khai thác hoặc ngăn chặn Mỹ. Nga cũng có thể hưởng lợi gián tiếp nếu thỏa thuận thúc đẩy đàm phán hòa bình.
EU lo ngại Ukraine sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ, làm suy yếu vai trò của khối trong khu vực. Trước đó, EU cũng đã đề xuất một thỏa thuận khoáng sản riêng với Ukraine, theo tinh thần "đôi bên cùng có lợi" và không yêu cầu chia sẻ lợi nhuận bất bình đẳng. EU có thể mất cơ hội tiếp cận trực tiếp các mỏ Ukraine nếu Mỹ chiếm ưu thế, nhưng cũng được lợi nếu thỏa thuận góp phần ổn định khu vực.
Thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine được xem là một nước cờ đa chiều của ông Trump, đáp ứng lợi ích kinh tế và địa chính trị của Mỹ, đồng thời củng cố hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, với việc thiếu đảm bảo an ninh và sự cạnh tranh từ Nga, EU, thỏa thuận này tiềm ẩn rủi ro gây mất cân bằng khu vực. Ukraine, dù được hưởng lợi về kinh tế vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức duy trì chủ quyền và an ninh lâu dài. Trong khi đó, Nga và EU cần điều chỉnh chiến lược để bảo vệ lợi ích trong bối cảnh Mỹ gia tăng ảnh hưởng.
Theo Vietnamnet