Báo Công An Đà Nẵng

Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phải trở thành đầu mối nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trọng điểm

Thứ ba, 29/04/2025 16:45
Ông Nguyễn Văn Quảng kiểm tra việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Trung tâm Công nghệ sinh học
Ông Nguyễn Văn Quảng thăm phòng nhân giống lan bằng hình thức nuôi cấy mô

Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Phạm Châu Huỳnh-Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, cho biết: Từ khi đi vào hoạt động năm 2017, Trung tâm đã không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy, đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ được giao. Với tổng diện tích 25 ha tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Trung tâm hiện có 5 phòng thí nghiệm chuyên ngành, 3 nhà kính và khu sản xuất thử nghiệm.

Đội ngũ cán bộ gồm 29 người, trong đó có 5 tiến sĩ và 9 thạc sĩ, đang đảm nhiệm các mảng nghiên cứu trọng điểm về vi sinh, công nghệ sinh học nông nghiệp, sinh học môi trường và sinh học phân tử. Trong thời gian qua, Trung tâm đã triển khai 12 đề tài, dự án các cấp, trong đó có 3 đề tài cấp thành phố và 2 nhiệm vụ hợp tác với doanh nghiệp. Các đề tài tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải, sản xuất phân bón vi sinh, phát triển dược liệu bản địa và bảo tồn nguồn gen. Đơn vị cũng đã xây dựng được 6 quy trình công nghệ hoàn chỉnh, một số đã được chuyển giao thử nghiệm cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Trong thời gian qua, trung tâm đã đạt được những kết quả nổi bật, như: sản xuất thành công chế phẩm vi sinh Bacillus subtilis và Lactobacillus spp. phục vụ xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản; nhân giống lan hồ điệp và một số loài lan rừng quý như lan kim tuyến, lan hoàng thảo đuôi cáo bằng công nghệ nuôi cấy mô; phân lập và nuôi cấy các chủng vi khuẩn có khả năng phân giải lân và cố định đạm phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ sinh học. Ngoài ra, Trung tâm đã thực hiện hơn 3.000 lượt phân tích, kiểm nghiệm mẫu sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, hỗ trợ cho gần 500 tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, Trung tâm đang tích cực phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước để phát triển các mô hình hợp tác nghiên cứu- đào tạo- chuyển giao. Trong năm 2024, Trung tâm đã ký kết hợp tác chiến lược với Trường Đại học Bách khoa- Đại học Đà Nẵng và Viện Khoa học sự sống (thuộc Đại học Huế) nhằm phát triển các hướng nghiên cứu về vi sinh vật bản địa và công nghệ sinh học phân tử phục vụ y học dự phòng. Lãnh đạo Trung tâm cho biết: mục tiêu đến năm 2030, đơn vị sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu- phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học hàng đầu khu vực miền trung, đóng vai trò cầu nối giữa khoa học và thị trường. Để đạt được mục tiêu này, Trung tâm kiến nghị thành phố sớm ban hành cơ chế hoạt động đặc thù cho đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập; cho phép thí điểm cơ chế tự chủ tài chính từng phần; bổ sung nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu chuyên sâu và thử nghiệm sản phẩm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quảng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Trung tâm trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đồng thời nhấn mạnh: Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng là một trong số ít đơn vị nghiên cứu được thành phố đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu mối khoa học- công nghệ, gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và người dân. “Đà Nẵng đang định hướng phát triển trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, trong đó khoa học- công nghệ và công nghệ sinh học giữ vai trò then chốt", ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Quảng tặng quà cho Trung tâm Công nghệ sinh học

Trung tâm Công nghệ sinh học cần đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu-phát triển, mở rộng hợp tác quốc tế và đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm khoa học. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát lại các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm hoạt động, đồng thời đề nghị Trung tâm cần nâng cao năng lực nghiên cứu chuyên sâu, tăng cường hợp tác công- tư, phát huy vai trò hạt nhân kết nối trong chuỗi giá trị công nghệ sinh học tại Đà Nẵng và khu vực miền trung- Tây Nguyên; trước mắt hướng đến phục vụ quá trình xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng mới sau sáp nhập với tỉnh Quảng Nam.

M.T

Động lực để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ, sáng tạo quốc gia

Với cơ chế đặc thù cùng nguồn lực đầu tư lớn, Đà Nẵng đang quyết tâm phát triển trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của quốc gia. TP dự kiến sẽ dành nguồn lực khoảng 3.500 tỷ đồng, bằng 6-7% vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để đầu tư cho các công trình, dự án thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ.

50 năm vươn mình thành đại đô thị

Sau 50 năm giải phóng, từ một đô thị nhỏ bé, tiêu điều sau chiến tranh, Đà Nẵng đã vươn mình phát triển trở thành đại đô thị, trung tâm kinh tế- xã hội lớn của khu vực miền Trung và cả nước. Trong bối cảnh mới, Đà Nẵng đang quyết tâm vận dụng cơ chế đặc thù để giải quyết các “điểm nghẽn“, phát triển bứt phá, hướng đến mục tiêu là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của cả nước

Xây dựng tổ hợp xét tuyển cần phù hợp yêu cầu của ngành học

Bắt đầu từ mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, thay vì bắt buộc các trường chỉ được tối đa 4 tổ hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho mỗi ngành học như trước, Bộ GD-ĐT cho phép các trường không giới hạn các tổ hợp xét tuyển (Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025 vừa mới ban hành- P.V).