Động lực để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ, sáng tạo quốc gia

Thứ bảy, 12/04/2025 06:50

Với cơ chế đặc thù cùng nguồn lực đầu tư lớn, Đà Nẵng đang quyết tâm phát triển trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của quốc gia. TP dự kiến sẽ dành nguồn lực khoảng 3.500 tỷ đồng, bằng 6-7% vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để đầu tư cho các công trình, dự án thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng tham dự khai trương trung tâm R&D công nghệ cao và chip bán dẫn của FPT tại Công viên phần mềm số 2.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm Công viên phần mềm số 2 dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng đang thực hiện 7 hóm chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 136 của Quốc hội để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể gồm chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; chính sách quy định về thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; chính sách quy định việc đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ phục vụ khởi nghiệp sáng tạo; 3 chính sách về phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng cũng xác định 34 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 (3 chỉ tiêu xác định cao hơn Nghị quyết số 57); xây dựng 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 49 nhiệm vụ cụ thể phù hợp với đặc điểm của thành phố.

Với cơ chế vượt trội cùng nền tảng hạ tầng đã có, tiếp tục được đầu tư trọng điểm, Đà Nẵng đang quyết tâm phát triển trở thành trung tâm công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia và khu vực. Hiện TP đang có 4 khu CNTT tập trung đã được đầu tư hoàn thiện diện tích 140,8 ha với hơn 10.000 người làm việc và đang được nghiên cứu mở rộng. TP cũng đã đầu tư gần 1.400 tỷ đồng để xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn làm việc là 92.000m², xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút nhiều doanh nghiệp về vi mạch bán dẫn, AI như Marvell, FPT, Mixel, Synopsys và 19 doanh nghiệp khởi nghiệp đã đăng ký. Ngoài ra, Đà Nẵng đã quyết định đầu tư Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trị giá trên 500 tỷ đồng để phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp. Hiện TP có 3 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 12 vườn ươm, không gian làm việc; 2 không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul và Da Ning-Singapore; 19 cơ sở tham gia tích cực vào hệ sinh thái với 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, TP đã chỉ đạo bố trí nguồn lực, tập trung xúc tiến đầu tư đối với các dự án như: Phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất quy mô nhỏ công nghệ đóng gói tiên tiến vi mạch bán dẫn (Lab-Fab), phòng Lab về trí tuệ nhân tạo, thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu lớn. Ngày 27-3 vừa qua, thành phố đã khởi công dự án Trung tâm dữ liệu quốc tế Đà Nẵng với quy mô 1000 rack trị giá 2.000 tỷ đồng. Đây là nơi vừa nghiên cứu, vừa đào tạo, thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn, AI, hạ tầng số, hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai mô hình và phát triển sản phẩm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đà Nẵng cũng là địa phương có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển sớm, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh, mạnh với hàng loạt tiện ích trong xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh và đầu tư cho Công an TP hơn 400 tỷ đồng để nâng cấp Trung tâm giám sát điều hành an ninh thông minh. Các cơ sở dữ liệu nền được chuẩn hóa; hình thành Kho dữ liệu dùng chung, hình thành 16 nhóm dịch vụ đô thị thông minh với 159 loại số liệu, biểu đồ để giám sát, phân tích, cảnh báo, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, giúp giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn hơn 12 lần so với trước. Đặc biệt, TP triển khai quyết liệt Đề án 06, đến nay các chỉ tiêu đều đạt từ 96% đến 100%. Cụ thể, hiện nay Đà Nẵng đã triển khai 1.825/1894 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (tỷ lệ hơn 96,3%) và đảm bảo 100% dịch vụ công đã đủ điều kiện được triển khai toàn trình. Hiện 95/95 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip với hơn 4,1 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thông qua căn cước, VneID xác thực đúng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Năm 2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Đà Nẵng cao nhất cả nước với 96,3% (cả nước là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là gần 60% (cả nước là 18%).

Lãnh đạo TP Đà Nẵng tham dự khai trương trung tâm R&D công nghệ cao và chip bán dẫn của FPT tại Công viên phần mềm số 2.

Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (nhất là người Việt Nam ở nước ngoài) về làm việc tại TP trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học. Trong tháng 3-2025, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DASC) đã khai giảng khóa đào tạo thiết kế bán dẫn chuyên sâu đầu tiên dành cho 80 sinh viên, mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy sự phát triển công nghệ bán dẫn, blockchain, AI, hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực. Qua đó, Đà Nẵng mong muốn không chỉ là nơi nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm mà sẽ trở thành nơi sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như vi mạch bán dẫn cung cấp cho thế giới

HẢI HẬU