Báo Công An Đà Nẵng

Vladlen Tatarsky- phóng viên chiến trường người Nga bị sát hại như thế nào?

Thứ sáu, 23/06/2023 10:15
Vladlen Tatarsky. Ảnh: RIA Novosti

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3-4 ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Dũng cảm cho Vladlen Tatarsky vì “đã thể hiện sự can đảm và gan dạ khi thực hiện nhiệm vụ”.

Sinh ra ở Ukraine nhưng ủng hộ quân đội Nga Vladlen Tatarsky là bút danh của nhà báo Maxim Fomin (1982). Theo Sputnik, sau khi tốt nghiệp trung học, Fomin nối nghiệp thợ mỏ của gia đình. Không lâu sau đó, ông mở công ty nội thất riêng. Công việc làm ăn không thuận lợi, năm 2011, Fomin cùng một vài người bạn quyết định cướp ngân hàng. Nhóm của ông nhanh chóng bị cảnh sát bắt và Fomin nhận “bản án dài đằng đẵng”. Năm 2014, khi chiến sự tại Donbass bùng nổ, Fomin đã lợi dụng sự hỗn loạn để vượt ngục. Không lâu sau đó, ông gia nhập một đơn vị vũ trang tại Donetsk. Từ đó đến năm 2019, Fomin luân chuyển qua nhiều đơn vị trực thuộc cả quân đội cộng hòa nhân dân Donetsk và cộng hòa nhân dân Lugansk.

Di ảnh và hoa tưởng niệm Vladlen Tatarsky đặt trước quán cà-phê nơi ông bị ám sát. Ảnh: Reuters

Fomin bắt đầu tường thuật các diễn biến ở vùng Donbass với tư cách phóng viên chiến trường ngay sau khi xuất ngũ vào năm 2019. Từ đây, ông bắt đầu được biết đến với bút danh Vladlen Tatarsk. Fomin tiếp tục công việc phóng viên chiến trường đến khi sang Nga sinh sống vào năm 2020. Năm 2021, ông Fomin chính thức được nhập tịch Nga.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tatarsky đã trở lại vùng Donbass để thực hiện các bản tin thường nhật và phân tích chuyên sâu về các hoạt động quân sự của Nga ở đây. Hằng ngày, Tatarsky ghi hình các video và phát trên kênh Telegram “Buổi tối Vladlen”. Những phân tích về diễn biến của chiến dịch và đưa ra lời cảnh báo liên quan của Tatarsky được ưa chuộng vì đã cho độc giả “cái nhìn chân thật” về tình hình chiến sự. Vladlen Tatarsky dần trở thành một trong những cái tên có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong các blogger quân sự ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.

Xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến các hạn chế về mặt thông tin chính thống. Nga buộc phải đóng cửa các cơ quan truyền thông của mình ở nước ngoài, trong khi các phương tiện truyền thông nước ngoài cũng bị hạn chế ở Nga. Do vậy, các phóng viên chiến trường như Tatarsky nổi lên như một hệ thống thông tin mới. Tài khoản của Tatarsky đã có 563.000 lượt đăng ký trên Instagram, hơn 21.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội VKontakte của Nga và Tatarsky thường xuyên được mời bình luận trên truyền hình quốc gia. Ông cũng từng được mời tham dự buổi lễ sáp nhập 4 vùng ly khai tại Ukraine vào lãnh thổ Nga hồi tháng 9-2022.

Tatarsky được biết đến với quan điểm cứng rắn, ủng hộ chiến tranh. Ông nhận định Nga “quá do dự” và kêu gọi phát động chiến tranh tổng lực với Ukraine lẫn phương Tây. Tatarsky cũng từng kêu gọi ám sát Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi ông tới thăm Kherson hồi năm ngoái. Do những việc làm của mình, Tatarsky đã bị chính quyền Ukraine cấm nhập cảnh trong vòng 10 năm hồi tháng 1-2023. Song song với quan điểm ủng hộ chiến tranh, Tatarsky cũng thường xuyên công khai chỉ trích các tướng lĩnh Nga vì những thiếu sót trên chiến trường.

Hiện trường vụ đánh bom tại quán cà phê ở St. Petersburg hôm 2-4. Ảnh: AP

Thiệt mạng trong vụ nổ tại quán cà-phê

Hôm 2-4, Tatarsky tham gia sự kiện trực tiếp với người hâm mộ tại quán cà phê ở trung tâm St. Peterburg, Nga. Một thiết bị nổ có công suất hơn 200g TNT đã phát nổ gần sân khấu. Giới chức Nga sau đó cho biết, thiết bị nổ được giấu trong một bức tượng nhỏ mang tặng Tatarsky. Vụ nổ khiến Tatarsky thiệt mạng và 30 người bị thương. Nhiều nhân chứng nói với truyền thông Nga rằng một phụ nữ trẻ, một trong những khách mời tại sự kiện của Tatarsky, đã tặng ông một bức tượng nhỏ ngay trước khi vụ nổ xảy ra.

Daria Trepova – nghi phạm gây ra vụ nổ tại quán cà-phê ở St. Petersburg. Ảnh: RIA Novosti

Nga cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tấn công

Ủy ban điều tra Nga đã mở vụ án hình sự theo điều 105 Bộ luật hình sự đối với việc sát hại Tatarsky. Một ngày sau đó, Ủy ban này thông báo đã bắt Daria Trepova, 26 tuổi, nghi phạm chính. Tuyên bố cho biết, Trepova đã đi bộ tới quán cà-phê, mang theo một chiếc hộp nhỏ, bên trong có thể chứa bức tượng bị gài thuốc nổ. Thông báo từ Ủy ban Điều tra Nga cho biết, Trepova đã tham gia “hành động khủng bố do một nhóm có tổ chức thực hiện nhằm gây ra cái chết có chủ ý” và nói thêm rằng cô gái này đã hành động theo chỉ dẫn của những người “làm việc cho Ukraine”. Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga cáo buộc chính phủ Ukraine thông đồng với nhóm ủng hộ thủ lĩnh đối lập Nga Alexey Navalny để thực hiện vụ tấn công, đồng thời mô tả vụ đánh bom là “cuộc tấn công khủng bố”.

Bình luận trên Telegram, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, các nhà báo Nga đang phải đối mặt với các mối đe dọa tử vong liên tục từ chính quyền Kiev và những đối tượng tiếp tay cho họ. “Các hoạt động nghề nghiệp của Vladlen Tatarsky khơi dậy sự thù ghét trong chính quyền Kiev. Ông ấy gặp nguy hiểm vì điều đó”, bà Zakharova nói. Theo bà Zakharova, các phóng viên Nga đang bị “ngược đãi, bị gắn nhãn đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số thuộc sở hữu của các công ty độc quyền về Internet của Mỹ và bị các phương tiện truyền thông phương Tây săn lùng ráo riết”. Bà nói thêm rằng, các nhóm nhân quyền quốc tế và các tổ chức có liên quan chỉ đơn giản là “phớt lờ” vấn đề này. Chủ tịch Hội đồng Lập pháp St. Petersburg, ông Alexander Belsky coi vụ việc là “một tội ác khủng khiếp”. Người đứng đầu Hội Nhà báo Nga Vladimir Solovyov gọi vụ sát hại phóng viên Tatarsky là “tội ác chống lại các nhà báo”. Tatyana Stanovaya, một chuyên gia về chính trị xã hội Nga, nhận định vụ đánh bom tại St Petersburg cho thấy những người ủng hộ chiến dịch của Moscow như Tatarsky “dễ bị tổn thương thế nào”.

AN BÌNH