Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử nhóm đối tượng lợi dụng chính sách, chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu

Thứ ba, 12/11/2024 08:00
Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, để khuyến khích ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền, Chính phủ có chính sách hỗ trợ nhiên liệu để phục vụ cho các chuyến khai thác hải sản của ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa căn cứ vào giá trị công suất (CV) trên máy chính của tàu, tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm.

Theo chính sách trên, Phạm Nam (1965, trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) là chủ tàu cá số hiệu QNa-93459-TS có công suất 250CV nên chỉ được hỗ trợ tiền nhiên liệu là 55 triệu đồng/chuyến. Lúc này, Nam nảy sinh ý định nâng khống công suất máy tàu lên 420CV để được hưởng mức tiền hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến. Sau đó, Phạm Nam đã nhờ Nguyễn Văn Hùng (1969, trú TP Hội An, Quảng Nam) mua bộ hồ sơ máy tàu có công suất 420CV.

Thông qua mối quan hệ, Nam nhờ N.V.M. (đã chết) liên hệ Trần Quốc Việt (1963, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là Trưởng phòng tàu cá và cơ sở dịch vụ hạ tầng nghề cá (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) làm hồ sơ thiết kế cải hoán tàu và được Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cho tàu cá số hiệu QNa-93459-TS.

Ngày 2-7-2019, Việt không kiểm tra, giám sát mà lập hợp thức biên bản kiểm tra kỹ thuật cải hoán lắp máy có công suất 420CV. Sau đó, Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho Phạm Nam, chủ sở hữu tàu cá QNa-93459-TS. Trong năm 2021, Nam đã thực hiện 4 chuyến đánh bắt xa bờ, được thanh toán hỗ trợ nhiên liệu 300 triệu đồng.

Tương tự, Phạm Hải (1962, trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) sở hữu tàu cá số hiệu QNa-93657-TS có công suất 140CV. Do có nhu cầu đánh bắt cá biển xa nên Hải gặp nhờ Đặng Cư (1985, trú TP Hội An) làm hồ sơ máy thể hiện có công suất 420CV để được hỗ trợ tiền nhiên liệu với số tiền 75 triệu đồng/chuyến. Sau đó, Cư mua máy thủy có công suất 320CV để thi công lắp vào tàu của Hải và mua hồ sơ nguồn gốc thể hiện máy có công suất 420CV. Khi lắp máy xong, Hải đã nhờ N.V.M. làm giúp hồ sơ cải hoán máy lên 420CV rồi nhờ Việt làm hồ sơ thiết kế cải hoán tàu. Việt cung cấp thông tin cho Nguyễn Vui (1962, trú TP Tam Kỳ)- Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế tàu thủy Quảng Nam làm hồ sơ thiết kế và được Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế.

Sau đó, Hải gửi hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Lúc này, Việt không thực hiện giám sát kỹ thuật cải hoán đã lập biên bản kiểm tra kỹ thuật sửa chữa vỏ, thay máy. Trên cơ sở đó, ngày 3-4-2019, Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá số hiệu QNa-93657-TS. Năm 2021, Hải đã được hỗ trợ 4 chuyến đánh bắt xa bờ số tiền 300 triệu đồng.

Như vậy, Nam và Hải đã nâng khống công suất máy thủy trên tàu để chiếm đoạt 160 triệu đồng hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước. Hùng, Cư giúp sức cho Nam, Hải lừa đảo, chiếm đoạt tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Năm 2017, Nguyễn Vui, Lê Hoàng Vũ (1984)- đăng kiểm viên Chi cục Thủy sản Quảng Nam và Nguyễn Ngọc Bảo (1980, cùng trú TP Tam Kỳ)- nhân viên Phòng hành chính Chi cục Thủy sản Quảng Nam cùng thành lập Công ty TNHH Tư vấn thiết kế tàu thủy Quảng Nam do Nguyễn Vui làm giám đốc. Trong quá trình công ty lập hồ sơ thiết kế cải hoán tàu cá, Vui, Vũ và Bảo cùng bàn bạc, thống nhất để Vui thỏa thuận đưa tiền cho Trần Quốc Việt, Ngô Văn Định (1965)- Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá Quảng Nam và Nguyễn Văn Khánh (1974, cùng trú TP Tam Kỳ)- Trưởng phòng đăng kiểm Trung tâm đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Quảng Nam nhằm mục đích giúp cho các hồ sơ thiết kế của công ty được Chi cục Thủy sản, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá Quảng Nam phê duyệt. Cụ thể, Vui đã đưa cho Việt hơn 202 triệu đồng, đưa Định số tiền 5,1 triệu đồng và Khánh hơn 11 triệu đồng.

Qua điều tra còn xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, nhiều chủ tàu cá nhờ Trần Thị Kim Đồng (1970, trú H. Núi Thành, Quảng Nam) làm thủ tục đăng ký hoán cải tàu đánh bắt cá. Do đó, Hồng liên hệ Trần Quang Hiệp (1987, trú H. Núi Thành) là chủ hộ kinh doanh để mua hóa đơn nhằm hợp thức cho nguồn gốc máy thủy mà các chủ tàu đã mua trước đó. Đồng đã thanh toán cho Hiệp hơn 3,8 triệu đồng mua trái phép 30 hóa đơn.

Xét toàn diện vụ án, HĐXX quyết định tuyên các bị cáo: Phạm Nam, Phạm Hải cùng 18 tháng tù, Đặng Cư 12 tháng tù, Nguyễn Văn Hùng 12 tháng tù treo về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Trần Quốc Việt 5 năm tù, Nguyễn Văn Khánh 2 năm tù, Ngô Văn Định 12 tháng tù treo về tội: “Nhận hối lộ”; Nguyễn Vui 9 tháng tù, Lê Hoàng Vũ 6 tháng tù treo, Nguyễn Ngọc Bảo 6 tháng tù treo về tội “Đưa hối lộ”; hai bị cáo Trần Quang Hiệp và Trần Thị Kim Đồng cùng bị phạt 200 triệu đồng về tội: “Mua bán trái phép hóa đơn”.

LÊ VƯƠNG

Xét xử nhóm ngư dân cùng cán bộ đăng kiểm trục lợi chính sách

Ngày 16-5, TAND TP Đà Nẵng xét xử các bị cáo: Nguyễn Chín (1968); Lê Văn Lá (1953); Huỳnh Văn Liều (1968, cùng trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Ngô Hai (1964, trú Q. Sơn Trà); Lê Văn Láng (1974, trú Q.Hải Châu, Đà Nẵng), Bùi Đình Hưng (1960, trú Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Ngô Quang Ánh (1982, trú Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

Cuối tháng 11-2024 sẽ xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cùng 14 bị cáo trong vụ Xuyên Việt Oil

Dự kiến, từ ngày 20-11 đến ngày 5-12-2024, TAND TP HCM sẽ xét xử vụ án “Vi phạm quy định về sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.

Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị cáo buộc nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Thái - cựu Chủ tịch Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam về tội “Nhận hối lộ” với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng.