LONGFORMLiệu Hamas có thể biến chiến dịch của Israel ở Dải Gaza thành bi kịch?
Trong bối cảnh Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang phải hứng chịu một số thiệt hại khi tiến sâu vào chiến trường đô thị, giới chuyên gia quân sự bắt đầu hoài nghi liệu Israel có thể đạt mục tiêu chiến thuật hay sẽ sa lầy trong chiến tranh phi đối xứng đô thị như từng diễn ra khi Quân đội Iraq và đồng minh tấn công thành phố Mosul và Fallujah nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Các chuyên gia cảnh báo, cuộc chiến chống lại lực lượng Hamas trong "mê cung" các đường hầm kiên cố và vững chắc ở Gaza có thể khiến quân đội Israel phải đối mặt với những khó khăn và tổn thất.
Về vấn đề này, nhà quan sát quân sự Nga Alexander Rybin tin rằng, kịch bản về trận đánh khốc liệt ở Mosul (Iraq) có thể sẽ lặp lại ở Dải Gaza nếu giao tranh tiếp tục leo thang.
Cuộc chiến đẫm máu ở Mosul và những cái bẫy khổng lồ
Trận chiến giành lại thành phố Mosul bắt đầu vào tháng 10/2016, gần 2 năm sau khi lực lượng khủng bố IS chiếm được thành phố mà không gặp phải sự kháng cự nào, bởi lẽ lúc đó quân đội chính phủ Iraq chỉ đơn giản là rút lui, bỏ lại một lượng lớn các loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả máy bay trực thăng và tên lửa chiến thuật.
Với ưu thế về quân số cũng như lợi thế vượt trội về công nghệ, đặc biệt là ưu thế trên không, các tướng lĩnh quân đội chính phủ Iraq và đồng minh kỳ vọng sẽ đánh bại IS ở thành phố này trong vài tuần. Kế hoạch tác chiến là phong tỏa hoàn toàn thành phố và dần dần thắt chặt vòng vây, tiêu diệt lực lượng khủng bố cố thủ trong nội đô.
Theo tính toán của Quân đội Iraq, có khoảng 7.000 tới 15.000 tay súng IS cố thủ trong thành phố có tới 1,5 triệu dân này.
Tuy nhiên, Quân đội Iraq đã tính toán sai lầm khi bên cạnh tinh thần liều chết, các tay súng khủng bố còn tạo ra mạng lưới đường hầm, lối đi, thành trì bí mật và phát triển chiến thuật tác chiến phù hợp ở khu đô thị dày đặc.
Để tiến hành phòng thủ, lực lượng IS không cần vũ khí hạng nặng. Xe tăng, tên lửa chiến thuật và thậm chí cả máy bay mà họ đã thu được từ Quân đội Iraq đều được bỏ lại. Thay vào đó, các tay súng của họ tập trung sử dụng vũ khí cá nhân, súng phóng lựu cầm tay, mìn, cũng như xe bọc thép cảm tử và máy ủi chứa đầy chất nổ.
Khi cuộc tấn công vào thành phố Mosul bắt đầu, giới chức quân sự Iraq và Mỹ vẫn ấp ủ hy vọng rằng thành phố sẽ sớm được kiểm soát, nhưng IS đã tạo ra những cái bẫy khổng lồ trong thành phố.
Chúng không thiết lập những chốt phòng thủ bên ngoài thành phố, mà để ngỏ để lực lượng chính phủ Iraq và đồng minh tiến sâu vào trong nội đô sau đó bao vây, phục kích.
Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về chiến thuật này là trận đánh bại mũi tiến công của Sư đoàn cơ giới số 9 của Quân đội Iraq tại Bệnh viện Al-Salam.
Dân quân thân chính phủ Iraq trên hàng chục xe bọc thép và hàng trăm binh sĩ Sư đoàn cơ giới số 9 tiến sâu vào trong nội đô thành phố Mosul. Khi lực lượng chính phủ tiến vào trong Bệnh viện Al-Salam, các nhóm phiến quân IS bắt đầu bao vây và tấn công họ từ mọi hướng với tất cả hỏa lực trong tay một cách bài bản và có tính toán.
Những phương tiện cơ giới trở thành bia tập bắn khi không thể cơ động trong môi trường đô thị, cùng với đó, chúng cũng trở thành chướng ngại vật khiến lực lượng chính phủ Iraq không thể rút lui hay tiếp viện cho nhau.
Không chỉ tấn công vỗ mặt, các nhóm tay súng IS còn bao vây và tập hậu lực lượng Iraq có ý định vào tiếp viện nhờ hệ thống đường hầm bí mật.
Để hỗ trợ lực lượng mắc kẹt trong thành phố Mosul, Không quân Iraq và Mỹ bắt đầu các cuộc tấn công tên lửa và bom vào bệnh viện để hỗ trợ những người bị bao vây. Tuy nhiên, trong chiến trường da báo, các đòn không kích này chẳng những không phát huy hiệu quả mà còn đánh nhầm vào lực lượng đồng minh.
Kết quả là mũi tấn công này đã bị thiệt hại nặng với hàng chục xe bọc thép bị phá hủy hoặc thu giữ, hàng trăm binh sĩ chính phủ thương vong hoặc bị bắt.
Thất bại này được so sánh với tình huống của Lữ đoàn Maykop của Quân đội Nga khi tiến vào thủ phủ Grozny (Chechnya) vào tháng 1/1995.
Rút kinh nghiệm từ thất bại trên, quân đội Iraq thay đổi chiến thuật. Pháo binh và không quân được sử dụng tối đa để tấn công mọi vị trí tình nghi có các tay súng IS ẩn nấp sau đó lực lượng của quân đội chính quy hoặc cảnh sát Iraq mới tiến vào tiếp quản vị trí vừa bị tàn phá đó. Nếu còn hỏa lực bắn trả, họ lại rút lui để pháo binh và không quân oanh tạc.
Lực lượng chính phủ Iraq gần như đã từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng xe bọc thép hạng nặng, vốn dễ dàng bị các tay súng IS phá hủy trong những con phố chật hẹp ở Mosul. Binh sĩ được hỗ trợ chủ yếu bằng xe bọc thép bánh hơi Humvee.
"Liều thuốc giải độc" nhằm ngăn chặn những vụ đánh bom xe liều chết lao vào các vị trí của quân đội Iraq là hàng rào chướng ngại vật được dựng lên ở mỗi chốt kiểm soát. Mô hình này từ từ dâng lên, len dần vào sâu trong thành phố Mosul.
Trong thời gian này, hằng tháng, giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Iraq đều tuyên bố "bắt đầu giai đoạn quyết định giải phóng Mosul", nhưng trên thực tế, trận chiến kéo dài mãi đến tháng 7/2017 mới chấm dứt với phần thắng của quân đội chính phủ.
Hậu quả vô cùng thảm khốc, trung tâm thành phố, nơi tàn quân IS cố thủ, đã bị san thành bình địa, tới tận thời điểm hiện tại vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn. Thi thể của binh lính, dân thường và những kẻ khủng bố IS vẫn liên tục được tìm thấy dưới đống đổ nát.
Theo các ước tính khác nhau, trong trận chiến giành Mosul, ít nhất 1.400 binh sĩ quân đội Iraq và đồng minh đã thiệt mạng, hơn 7.000 người bị thương. Về phía IS, con số tay súng bị tiêu diệt có thể từ 2.000 tới 10.000 người.
Israel sẵn sàng trả giá để đánh bại Hamas
Ở Dải Gaza có một mạng lưới đường hầm kiên cố như "mê cung" với hàng loạt cứ điểm và các trung tâm phòng thủ đa dạng, dày đặc không thua kém những công sự từng được IS tạo ra ở Mosul. Chắc chắn Lực lượng phòng vệ Israel sẽ gặp phải vô vàn khó khăn.
Thứ nhất, Israel đang rơi vào bế tắc. Sau thất bại về tình báo dẫn tới vụ tấn công bất ngờ và thảm khốc hôm 7/10, các tướng lĩnh của nhà nước Do Thái phải chứng tỏ rằng họ đã đánh bại Hamas. Bất cứ quyết định sai lầm nào đều phải trả giá rất đắt.
"Lực lượng Israel đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan, lựa chọn của Tel Aviv là rất khó khăn, bởi họ vừa muốn loại bỏ mối đe dọa Hamas, vừa phải bảo vệ tính mạng của con tin và thường dân Palestine, cũng như duy trì sự ủng hộ của phương Tây với hoạt động quân sự của mình."
Thứ hai, tất nhiên, IDF không thể đánh bại Hamas chỉ bằng các cuộc không kích, tên lửa và pháo binh nếu như bộ binh không tiến vào Gaza. Nhưng như vậy, lực lượng vũ trang Israel sẽ phải đối mặt với thương vong nặng nề khi tác chiến trong đô thị và được dự báo có thể sẽ là tổn thất lớn nhất kể từ cuộc chiến cuối cùng của Israel chống lại liên minh các quốc gia Ả rập vào năm 1973.
Thứ ba, một chiến dịch trên bộ chắc chắn sẽ dẫn đến thương vong nặng nề cho dân thường ở Dải Gaza. Cái chết của thường dân Palestine đã gây ra sự chỉ trích gay gắt từ các tổ chức chính trị và giới truyền thông.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả rập sẽ xấu đi. Thực tế, Saudi Arabia đã đình chỉ tiến trình khôi phục mối quan hệ với Israel, sau khi bắt đầu xảy ra xung đột giữa Israel và Hamas.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Dải Gaza, con số nạn nhân thiệt mạng trong các hoạt động quân sự của Israel đã lên tới hơn 10.000 người, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em.
Cuối cùng, một yếu tố khác cần tính tới là hoạt động quân sự trên bộ tại Dải Gaza có thể dẫn đến việc mở ra các mặt trận mới. Phong trào Hezbollah ở Li Băng đã đe dọa sẽ tiến hành chiến dịch chống lại các khu vực phía Bắc của Israel nếu xung đột trên ở Dải Gaza leo thang tới mức Hamas có nguy cơ bị xóa sổ.
Quân đội Syria, vốn không công nhận quyền kiểm soát của nhà nước Do Thái ở Cao nguyên Golan, cũng có thể động binh giành lại các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng. Nếu kịch bản trên xảy ra, Iran được cho là sẽ không đứng ngoài cuộc.
Việc kéo dài các hoạt động quân sự của Israel chống lại Hamas chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị trong nhà nước Do Thái. Ngược lại, đối với các chiến binh Hamas, việc kéo dài giao tranh lại được cho là có lợi vì ngày càng có thêm quốc gia và tổ chức Hồi giáo đứng về phía họ, bằng cách này hay cách khác.
"Lực lượng Israel đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan", Shimrit Meir, từng là cố vấn ngoại giao của cựu thủ tướng Israel Naftali Bennett, nói.
Bà lưu ý rằng, "lựa chọn của Tel Aviv là rất khó khăn, bởi họ vừa muốn loại bỏ mối đe dọa Hamas, vừa phải bảo vệ tính mạng của hơn 220 con tin và khoảng 2 triệu thường dân Palestine, cũng như duy trì sự ủng hộ của phương Tây với hoạt động quân sự của mình".
Nói một cách khách quan, quyết tâm chiến đấu tới cùng của quân đội Israel là sắt đá, với binh hùng tướng mạnh cùng hàng loạt vũ khí tối tân, họ thừa sức áp đảo và có thể giành chiến thắng, nhưng rõ ràng, để đánh bại Hamas, cái giá phải trả sẽ tương đối lớn.
Theo Dân trí