Hàng nghìn người Palestine di tản khỏi Gaza trong tuyệt vọng
Quân đội Israel chỉ cho người dân Palestine ở Dải Gaza thời hạn 4 tiếng ngắn ngủi để sơ tán về phía Nam, song vẫn tiếp tục tấn công mọi ngóc ngách của vùng đất này. Liên hợp quốc cho biết 15.000 người Palestine đã đi bộ từ miền Bắc Gaza, tay vẫy cờ trắng và giơ cao giấy tờ tùy thân. Đoàn người di chuyển về phía Nam để tìm kiếm nơi trú ẩn theo lệnh của Israel.
Trên thực tế, cơ hội giữ được an toàn ở Gaza là rất hiếm hoi bởi Israel vẫn duy trì tần suất không kích dồn dập tại đây. Dòng người gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật đổ xuống trục đường giao thông chính là Salah Eddin - một trong hai đường cao tốc Bắc-Nam ở Gaza - đi dọc theo hành lang sơ tán do IDF công bố.
IDF đã ném bom Gaza suốt nhiều tuần qua, kể từ khi Hamas tấn công bất ngờ xuyên biên giới, sát hại trên 1.400 người và bắt trên 250 người làm con tin. Lực lượng này cho biết đã tấn công 14.000 mục tiêu của Hamas tại vùng lãnh thổ đông đúc này. Người phát ngôn của quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, ngày 8-11 cho biết lực lượng mặt đất đang tăng cường tấn công vào thành phố Gaza, nơi sinh sống của khoảng 650.000 người trước chiến tranh. IDF tuyên bố đây là nơi Hamas đặt bộ chỉ huy trung tâm và xây dựng một mê cung đường hầm dưới mặt đất.
Hàng trăm nghìn người Palestine đã làm theo lệnh sơ tán của Israel trong những tuần gần đây để tránh chiến dịch tấn công trên bộ. Đây là ngày thứ năm liên tiếp IDF mở hành lang sơ tán và số người di dời về phía Nam đang tăng lên từng ngày. Chính phủ Israel cho biết 50.000 người Gaza đã đi qua hành lang sơ tán vào hôm 8-11.
Nhằm mục đích "thắt thòng lọng" đối với phong trào Hamas, lực lượng trên bộ của Israel đã bao vây toàn bộ thành phố Gaza và giao tranh với các lực lượng người Palestine. Người dân Gaza nói rằng không có góc nào của dải đất này là an toàn. Hơn 70% trong số 2,3 triệu cư dân của Gaza đã phải đi sơ tán. Hầu hết rời bỏ nhà cửa mà chỉ đem theo những món đồ tối thiểu.
"Địa ngục trần gian" ở Dải Gaza
Đối với hàng chục nghìn người vẫn ở lại Gaza, nỗi tuyệt vọng ngày càng sâu sắc. Giám đốc Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini ngày 8-11 cho rằng tình hình ở khu vực phía Bắc của Dải Gaza đang giống như "địa ngục trần gian".
Phát biểu trên đài phát thanh RTS của Thụy Sĩ, ông Lazzarini cho biết, trong thời điểm Israel liên tục không kích, việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống đã bị cắt đứt do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Ông Lazzarini nói: "Vẫn còn khoảng 250.000 đến 350.000 người ở thành phố Gaza". Ông cho biết thêm: "Có rất nhiều trẻ em, người già và người bị hạn chế khả năng vận động, chưa kể những người bị thương không thể đi lại. Ngay cả các cơ sở của UNRWA - vốn có khả năng bảo vệ - cũng đang là mục tiêu. Hơn 50 cơ sở của chúng tôi đã bị tấn công, với hàng chục người chết và bị thương".
Ngày 8-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Dải Gaza đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lây lan gia tăng do các cuộc không kích của Israel làm gián đoạn hệ thống chăm sóc y tế, gây khó khăn cho việc tiếp cận với nước sạch và khiến các nơi trú ẩn ngày càng quá tải. Theo WHO, việc thiếu nhiên liệu ở khu vực đông dân cư đã khiến các nhà máy khử muối phải đóng cửa, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như tiêu chảy. Kể từ giữa tháng 10, hơn 33.550 trường hợp bị tiêu chảy đã được báo cáo, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng làm gián đoạn việc thu gom chất thải rắn, điều mà WHO cho rằng đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nhanh chóng và lan rộng của các loài côn trùng, gặm nhấm vốn có thể mang mầm bệnh và truyền bệnh. WHO lưu ý các cơ sở y tế "gần như không thể" duy trì các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cơ bản, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh do chấn thương, phẫu thuật và sinh nở.
Trong khi đó, dòng viện trợ nhỏ giọt vào Gaza từ phía Nam phần lớn bị cấm đi về phía Bắc. Văn phòng viện trợ Liên hợp quốc cho biết các tiệm bánh còn hoạt động cuối cùng đã đóng cửa từ hôm 7-11 vì thiếu nhiên liệu, nước và bột mì. Các bệnh viện đang làm phẫu thuật mà không gây mê cho bệnh nhân.
Mỹ nêu định hướng tương lai của Dải Gaza
Ngày 8-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng người Palestine nên quản lý Dải Gaza khi Israel kết thúc chiến dịch chống Phong trào Hồi giáo Hamas. Phát biểu với báo giới ở Tokyo (Nhật Bản), Ngoại trưởng Blinken cho rằng định hướng tương lai của Dải Gaza sẽ bao gồm "Không tái chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc. Không phong tỏa hay bao vây Gaza. Không thu hẹp lãnh thổ Gaza". Ông cho rằng có thể sẽ cần "một giai đoạn chuyển tiếp" vào cuối giai đoạn của cuộc xung đột Hamas-Israel, nhưng việc quản lý sau khủng hoảng cần có tiếng nói từ phía Palestine.
Theo Ngoại trưởng Blinken, kế hoạch này phải bao gồm sự quản lý do người Palestine lãnh đạo và việc Gaza hợp nhất với Bờ Tây dưới sự quản lý của Chính quyền Palestine. Ông đồng thời cho rằng các cuộc thảo luận về tương lai khu vực nên bắt đầu từ bây giờ, bởi "việc xác định các mục tiêu dài hạn và lộ trình để đạt được mục tiêu đó sẽ giúp định hình cách tiếp cận của chúng ta nhằm giải quyết các nhu cầu trước mắt".
Trước đó ngày 6-11, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel sẽ "chịu trách nhiệm về an ninh ở Dải Gaza vô thời hạn" sau khi xung đột với Hamas kết thúc.
AN BÌNH
Dòng sự kiện:Chiến sự Israel - Hamas
Mỹ phủ quyết nghị quyết của HĐBA LHQ về việc ngừng bắn ở Dải Gaza
Israel bắt giữ 3 nghi phạm tấn công dinh thự thủ tướng
6 binh sĩ Israel tử trận trong cuộc đụng độ với lực lượng Hezbollah
Israel lần đầu thừa nhận việc kích nổ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah
Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza