Công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện mục tiêu, tầm nhìn, khẳng định khát vọng, chỉ ra các động lực phát triển để huyện Thăng Bình khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Võ Văn Hùng cho biết, công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện và các đồ án quy hoạch có liên quan là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm hoạch định các phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn, gắn với không gian kinh tế - xã hội, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực một cách hợp lý. Chính vì vậy, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều quy trình, thủ tục có liên quan từ việc khảo sát, lấy ý kiến người dân, tổ chức phản biện xã hội, thông qua các Nghị quyết liên quan.
Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, UBND huyện Thăng Bình đã chủ động, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành của tỉnh, đặc biệt đã nhận được sự hướng dẫn tận tình, sự hỗ trợ rất lớn của Sở Xây dựng. Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình, giai đoạn đến năm 2030 hoàn thành và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 7-2-2024.
“Huyện Thăng Bình nỗ lực để trở thành vùng động lực trong chiến lược phát triển kinh tế vùng Đông - Nam của tỉnh. Đến năm 2030 phấn đấu đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và các xã lân cận, nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Thăng Bình với chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven sông, ven biển... Từng bước đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối thuận lợi theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây qua địa bàn huyện”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Hùng báo cáo những nội dung tóm tắt, cốt lõi của Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình, giai đoạn đến 2030. Nội dung Quy hoạch là cơ sở pháp lý để huyện Thăng Bình lập các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đồng thời cũng là cơ hội để huyện xây dựng các dự án cụ thể để giới thiệu cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhân Hội nghị này, ông Hùng mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến trải nghiệm, nghiên cứu đầu tư, phát triển kinh doanh tại Thăng Bình.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đánh giá, vùng huyện Thăng Bình là khu vực trung tâm của tỉnh, có chức năng kết nối, điều phối phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch ven biển; hình thành không gian phát triển du lịch ven biển Duy Xuyên - Thăng Bình kết nối không gian du lịch Hội An trên cơ sở phát huy các giá trị tự nhiên sông - biển; xây dựng các trung tâm hội thảo, hội nghị, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí.
Để thực hiện hiệu quả công tác Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình, ông Lê Văn Dũng đề nghị, UBND huyện Thăng Bình tiếp tục chủ động trong công việc, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai ngay các phần việc tiếp theo để tổ chức quản lý, triển khai thực hiện kịp thời phương án quy hoạch. Trong đó, tập trung lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực gắn liền với việc thực thi quy hoạch, huy động các nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ trong lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghiệp công nghệ cao…
“Việc thực thi quy hoạch phải gắn liền với các giải pháp về bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa và phát triển bền vững, tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà ảnh hưởng đến môi trường, phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên”, ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
LÊ VƯƠNG