Nhiều động lực thúc đẩy bất động sản công nghiệp Đà Nẵng

Thứ năm, 11/04/2024 09:00
Nhiều dự án hạ tầng động lực trong lĩnh vực logistics, công nghệ cao đang dần hoàn thiện đã tạo sức hút cho bất động sản công nghiệp Đà Nẵng. Bằng chứng rõ nét nhất là nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực này đã đổ vốn đầu tư vào Đà Nẵng trong thời gian qua.
Dự án Hatsuta thuê nhà xưởng sản xuất công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Dự án Hatsuta thuê nhà xưởng sản xuất công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Searee (Searee), thành viên của Searefico Group vừa đưa vào vận hành Tổng kho Logistics Searee tại Khu công nghiệp Hòa Khánh quận Liên Chiểu, đánh dấu mốc chính thức gia nhập sân chơi phân khúc bất động sản công nghiệp miền Trung. Ông Nguyễn Khoa Đăng, Tổng giám đốc Searee echo biết, dự án có diện tích xây dựng hơn 8.000m2 và 3.000 m2 sân bãi, tổng vốn đầu tư hơn 49 tỷ đồng. Ngay khi đi vào vận hành, nhiều đối tác đã ký hợp đồng thuê kho bãi tại dự án. Theo ông Đăng, triển vọng phát triển bất động sản công nghiệp của Đà Nẵng rất lớn bởi lẽ thành phố có vị trí quan trọng, là điểm cuối, cửa ngõ ra biển của Hành lang kinh tế Đông-Tây, đồng thời nằm trên tuyến hàng không quốc tế trọng yếu. Ngoài ra, theo ông Đăng, sở dĩ Searee đầu tư dự án này vào Đà Nẵng còn bởi có dự án cảng Liên Chiểu đang được đầu tư xây dựng rất lớn.

Cùng quan điểm, ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Công ty CP Long Hậu, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, chính dự án cảng Liên Chiểu là động lực rất lớn để phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp ở Đà Nẵng. Vì vậy, Long Hậu đã đầu tư, vừa đưa vào vận hành nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu - Đà Nẵng, giai đoạn 1 mở rộng. Dự án được đầu tư trên diện tích 29,6ha, tổng vốn 1.050 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, cảng Liên Chiểu tạo động lực để phát triển hạ tầng công nghệ, logistics, song ở chiều ngược lại chính các dự án công nghiệp, logistics sẽ tạo ra nguồn hàng hóa để cảng hoạt động hiệu quả. Ông Hiếu nói, khi hạ tầng cảng Liên Chiểu hoàn thành sẽ đón các hãng tàu đến, muốn vậy phải có lượng hàng hóa qua cảng. Để có nguồn hàng hóa qua cảng thì ngay từ lúc đang xây dựng cảng, Đà Nẵng cần tiến hành song song việc đầu tư hạ tầng công nghiệp, thu hút các dự án sản xuất để gia tăng nguồn hàng xuất khẩu cũng như nguồn nguyên liệu nhập khẩu…

Ông Nguyễn Khoa Đăng nhìn nhận, với vị trí và hệ thống hạ tầng giao thông, công nghiệp đang được đầu tư mạnh mẽ, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics của miền Trung, dư địa cho bất động sản công nghiệp rất lớn. Đặc biệt, nếu so sánh với hai đầu đất nước, bất động sản công nghiệp ở Đà Nẵng còn khá mới mẻ. Trong thực tế, thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rót vốn đầu tư vào Đà Nẵng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, do đó nhu cầu sử dụng bất động sản công nghiệp cũng tăng. Nổi bật có thể kể đến như dự án đầu tư 135 triệu USD của tập đoàn điện tử Foxlink (Đài Loan) hay dự án hàng không vũ trụ 20 triệu USD (Hàn Quốc) tại Khu Công nghệ cao. Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong 3 tháng qua, thành phố đã cấp mới 15 dự án FDI (tổng vốn hơn 22 triệu USD), đồng thời vốn FDI thực hiện của các dự án cũng tăng hơn 11% (khoảng 930 tỷ đồng).

Với việc có thêm nhiều nhà đầu tư mới có nhu cầu thuê nhà xưởng sản xuất, đồng nghĩa với các dự án kho bãi, trung tâm logistics cũng tăng theo. Hiện Đà Nẵng đã quy hoạch để kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics. Trong đó có 1 trung tâm cấp vùng là trung tâm logistics cảng Liên Chiểu gắn với dịch vụ cảng biển, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS... 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô đến năm 2030 là 4-5 ha, mở rộng nâng cấp lên 8-10 ha đến năm 2050 tại sân bay Đà Nẵng. Ngoài ra, hiện nay thành phố đã triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp mới tổng diện tích 880ha gồm Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm-giai đoạn 2… tạo nền tảng hạ tầng công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, sản xuất.

Rõ ràng các dự án hạ tầng công nghiệp, logistics đang được đầu tư, xây dựng song song với xây dựng cảng Liên Chiểu đã tạo động lực, sức hút rất lớn cho bất động sản công nghiệp Đà Nẵng. Đặc biệt, riêng dự án cảng Liên Chiểu đã là đòn bẩy cực lớn để hút các dự án đầu tư khác, nhất là dự án công nghiệp, hạ tầng logistics. Bởi lẽ ngoài phần đầu tư hạ tầng dùng chung tổng vốn 3.462 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2025, thì dự án cảng Liên Chiểu còn có phần đầu tư vốn xã hội hóa hơn 48.304 tỷ đồng (8 bến cảng container, 6 bến cảng tổng hợp…). Nhu cầu bất động sản công nghiệp xoay quanh cảng Liên Chiểu sẽ rất lớn và triển vọng.

HẢI QUỲNH