Đô thị Tây Bắc Đà Nẵng đang chuyển mình, bứt phá
Diện mạo mới
Với những định hướng lớn, mục tiêu và giải pháp đề ra trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ quận qua mỗi nhiệm kỳ được thực hiện có hiệu quả, đã từng bước đưa Liên Chiểu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa năng động của thành phố. Từ chỗ những năm đầu thành lập quận tổng thu ngân sách chưa đến 8 tỷ đồng/năm, thì năm 2023 đã đạt con số hơn 712 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7.024 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Hiện nay, trên địa bàn quận có hơn 2.600 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó đáng chú ý có hơn 2.400 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng; 18 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên.
Người dân Liên Chiểu khuôn mặt ai cũng rạng ngời khi chứng kiến hàng loạt công trình mới ra đời như: Tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, Hầm đường bộ Hải Vân, Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, Trung tâm hành chính quận, Bệnh viện Ung Bướu, Trục I Tây Bắc… Cùng với đó, đây là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, thu hút dòng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước vào thành phố.
Về Liên Chiểu những năm gần đây mới thấy nhịp sống đang đổi thay từng ngày. Hàng loạt dãy nhà cao tầng san sát nhau mọc lên trên những tuyến đường thảm nhựa phẳng lì dẫn đến từng thôn xóm, những khu công nghiệp, tạo nên bức tranh đa sắc màu. Theo ghi nhận của chúng tôi, quận Liên Chiểu có khá nhiều dự án đã và đang triển khai. Chỉ tính hơn 6 năm trở lại đây, có tới gần 100 dự án phát triển đô thị khởi động với hàng ngàn hồ sơ trong diện giải tỏa đền bù. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đa phần người dân trong vùng dự án đồng tình ủng hộ, góp phần tạo động lực phát triển KT-XH cho địa phương.
Ông Trần Phước Sơn, nguyên Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, nay là Phó Chủ tịch thường trực phụ trách HĐND thành phố, cho biết: Tất cả các dự án đang triển khai tại Liên Chiểu đều là dự án động lực, là cơ hội tốt cho quận chuyển mình, bứt phá. Bên cạnh quần thể Đà Nẵng Resort và Spa của Mikazuki Nhật Bản với tổng nguồn vốn lên đến 150 triệu USD, các đề án phát triển du lịch tại Nam Ô do Cty CP Trung Thủy làm chủ đầu tư cũng được triển khai với việc Cty này cam kết đầu tư toàn bộ kinh phí 3 sản phẩm du lịch không thu phí, gồm: Ngắm bình minh, hoàng hôn trên vịnh Nam Ô bằng thuyền thúng; tắm biển tại bãi tắm Nam Ô; đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô. Sau một thời gian dài tháo gỡ các vướng mắc, điều chỉnh quy hoạch, đơn vị này cũng đã khởi động dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô.
Hay dự án Làng Vân đã được phê duyệt nhưng "đắp chiếu" gần 10 năm, cuối tháng 3-2021 đã tái khởi động trở lại, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình triển khai dự án quy mô gần 1.000 ha tại khu vực trọng điểm phía Bắc thành phố. Dự án hoàn thành trong tương lai góp phần hình thành cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, đô thị cao cấp, đáp ứng nhu cầu ở và các nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Riêng năm 2023, quận Liên Chiểu có tổng cộng 32 công trình bức thiết phục vụ dân sinh, trong đó có 16 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Nâng cấp chợ Hòa Khánh Nam; mương thoát nước tại K128 Đoàn Phú Tứ, phường Hòa Khánh Bắc; cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường Thanh Vinh 4, phường Hòa Khánh Bắc. UBND quận cũng đã tổng hợp và đề xuất phương án sử dụng đối với các quỹ đất công trên địa bàn; đồng thời kiểm tra, rà soát quy hoạch tại vị trí các lô đất trống, đề xuất phương án quản lý, sử dụng hiệu quả.
Kỳ vọng về một đô thị cảng biển
Trong cuộc họp diễn ra cuối năm 2023, Phó chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND Trần Phước Sơn yêu cầu UBND quận tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án kéo dài nhiều năm. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành triển khai Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có ý kiến các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn quận như các Phân khu Ven vịnh Đà Nẵng, Cảng biển Liên Chiểu, Công nghệ cao, Trung tâm lõi xanh và Phân khu Sinh thái phía Tây. "Quận Liên Chiểu là một trong 2 địa phương được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển quận. Điều này khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian đến. Vì vậy, với tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển còn nhiều, quận Liên Chiểu cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, vận dụng tốt các cơ chế, chính sách, tạo bứt phá xây dựng và phát triển quận Liên Chiểu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, trung tâm logistics, đô thị cảng biển lớn phía Tây Bắc của thành phố" - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh.
Một trong những kỳ vọng lớn nhất đối với nhân dân Liên Chiểu nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung phải kể đến dự án đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Đây là cảng biển đặc biệt của cả nước, dự kiến năm 2030 đạt 100 triệu tấn/năm, đến năm 2045 lên đến 200 triệu tấn/năm. Sau hơn 450 ngày triển khai thi công, đến nay, giá trị khối lượng xây lắp hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu đạt khoảng 500 tỷ đồng.
Thời điểm đầu năm mới Giáp Thìn, không khí làm việc tại công trường xây dựng bến cảng Liên Chiểu rất sôi động với hàng trăm công nhân của các nhà thầu thi công đang hối hả đẩy nhanh tiến độ các hạng mục. Hiện các hạng mục đê, kè đang lắp đặt khối phủ Rakuna IV nhằm đảm bảo an toàn cho các khối lượng đắp đã và đang thi công với hơn 500m/1.170m đê kè đã hoàn thành; nạo vét đạt khoảng 90% trong tổng số 245.000m3 hố móng đê kè chắn sóng phun lên bãi chứa; sản xuất khoảng 3.000/9.624 khối phủ Rakuna IV...
Ông Lê Thành Hưng - Giám đốc BQL Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố cho biết: Cùng với phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự án đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu, dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan với tổng mức đầu tư hơn 1.203 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng. Tuyến đường dài hơn 2,9km, mặt cắt ngang rộng 30m, gồm 6 làn xe. Đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành hơn 60% giá trị khối lượng xây lắp. Theo kế hoạch, tuyến đường đưa vào sử dụng trong năm 2025 sẽ phát huy hiệu quả đầu tư các dự án và kết nối lượng hàng hóa từ các Khu công nghiệp Liên Chiểu, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp khác với Bến cảng Liên Chiểu.
Ông Hưng kỳ vọng, sự phát triển của cảng biển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân Hòa Hiệp Bắc nói riêng và thành phố nói chung. Theo Đề án phát triển dịch vụ logistics Đà Nẵng kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, thành phố kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics, trong đó, trung tâm logistics cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, hạng I. Với hệ thống giao thông, cảng biển không ngừng được đầu tư, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư. Xây dựng trung tâm logistics, thành phố cảng biển, đây là định hướng đặt ra cho Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
CÔNG HẠNH