Đường dây lừa đảo của Mr. Pips lớn nhất Việt Nam về đầu tư ngoại hối trên mạng
Theo cơ quan Công an, hoạt động đầu tư ngoại hối (Forex) là một hình thức đầu tư tài chính mà các nhà đầu tư mua và bán các loại tiền tệ, nhà đầu tư kiếm lời dựa trên sự thay đổi giá trị của tỷ giá hối đoái (tỷ giá được sử dụng để quy đổi giá trị của một đơn vị tiền tệ sang đơn vị tiền tệ khác khi thực hiện giao dịch ngoại tệ). Tuy nhiên, hoạt động đầu tư ngoại hối trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam hiện có khoảng 300 sàn giao dịch Forex và chứng khoán quốc tế trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Đây là một trong những hình thức "cờ bạc" với những cái bẫy lừa đảo tinh vi dưới chiêu trò “tiền đẻ ra tiền”. Chính hấp lực từ việc “giàu chỉ trong một đêm” đã khiến nhiều người bị lừa hàng tỷ đồng khi đổ xô vào đầu tư để kiếm lời để rồi "tiền mất tật mang". Nhiều người mới chưa có kinh nghiệm thì nhẹ dạ cả tin tham gia, có người sau nhiều lần thua lỗ lại muốn "tất tay" dẫn đến tán gia bại sản.
Thông tin về vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, kết quả điều tra bước đầu xác định Phó Đức Nam (1994, trú phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cấu kết với nhiều đối tượng khác để lừa đảo khi thành lập hàng loạt công ty, hoạt động như một tổ chức môi giới chứng khoán. Trước khi bị bắt, Mr Pips cùng đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 2.600 người.
Theo đó, từ năm 2021, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, biệt danh Mr.Hunter, trú TP Hà Nội) đã liên kết với một đối tượng người nước ngoài tại Campuchia để thành lập nhiều công ty "ma" đặt trụ sở tại TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Nhóm này lập tổng cộng 44 văn phòng đại diện tại Việt Nam và tuyển dụng hơn 1.000 nhân sự để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh. Trong đó, các đối tượng phân công nhiệm vụ rõ ràng, như: kế toán, nhân sự, bộ phận IT, bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng... Các bộ phận trong công ty thực hiện các hoạt động độc lập, bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua các MXH như Zalo, Telegram...
Song song đó, các đối tượng tiếp tục lập ra 5 trang có giao diện tiếng Anh với mục đích giả mạo là các sàn giao dịch Forex quốc tế, mua lượt bình luận, đánh giá từ các trang web nước ngoài chuyên đánh giá các sàn giao dịch để tạo uy tín hòng lừa đảo các nhà đầu tư. Bản chất các sàn giao dịch này được thiết kế, xây dựng như một sàn giao dịch quốc tế thật sự, nhưng đều do nhóm của Phó Đức Nam quản lý, kết nối với các nền tảng, ứng dụng chuyên dụng cho các giao dịch ngoại hối như MT4, MT5... Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng mời gọi người chơi tham gia đầu tư, chuyển tiền qua các cổng giao dịch. Ban đầu, các đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nạp thêm tiền và chiếm đoạt, sau đó chặn toàn bộ liên lạc.
Sau khoảng nửa năm lập án điều tra, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức bắt giữ hàng chục đối tượng trong băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia này. Đến nay, cơ quan điều tra đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các bị can, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa tài sản của các đối tượng tổng trị giá hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó gồm 127 tỷ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm tài khoản ngân hàng trị giá hơn 300 tỷ đồng, 216kg vàng, 128 bất động sản, 30 xe ô-tô hạng sang các loại...
Đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 31 đối tượng, trong đó có 26 bị can bị khởi tố về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 bị can bị khởi tố về hành vi: "Rửa tiền", 1 bị can về hành vi: "Không tố giác tội phạm", 1 bị can về hành vi: "Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.
T.H