Mr Pips và chiêu lừa kiếm tiền nhanh từ đầu tư ngoại hối

Thứ tư, 11/12/2024 16:47

Ngày 10/12, Công an TP.Hà Nội cho biết vừa triệt phá thành công vụ án lừa đảo trên không gian mạng lớn nhất từ trước đến nay với số tài sản, tang vật bị phong tỏa lên đến hơn 5.000 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, Phó Đức Nam (SN1994) hay còn gọi là Mr Pips cùng đồng bọn đã thành lập hàng chục công ty để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 2.600 người với danh nghĩa đầu tư tài chính.

Trò lừa cũ nhưng nhiều nạn nhân vẫn dính bẫy

Theo một số liệu thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng trên dưới 300 sàn giao dịch Forex (ngoại hối) và chứng khoán quốc tế (CKQT) trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Đây là một trong những hình thức "cờ bạc" được rất nhiều người chú ý. Thông qua các nền tảng MXH, không ít người đã từng ít nhất một lần nhìn thấy những lời quảng cáo, mời gọi đầu tư với lời hứa làm giàu nhanh chóng bằng cách chơi Forex, chứng khoán, chứng chỉ quỹ quốc tế. Từ đó những cái bẫy tinh vi để lừa đảo đã liên tục được giăng ra, khiến nhiều người bị lừa hàng tỷ đồng khi đổ xô vào đầu tư để kiếm lời để rồi "tiền mất tật mang". Với những lời mời gọi có lợi nhuận quá lớn, những lời hứa làm giàu chỉ trong một đêm, tạo thu nhập thụ động... đã khiến nhiều nạn nhân liên tiếp dính bẫy.

Bất chấp cảnh báo từ các cơ quan chức năng trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư vẫn tham gia với số tiền lớn, dẫn tới cảnh nợ nần, tay trắng. Cuối tháng 6/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra cảnh báo về các sàn giao dịch CKQT, khi trực tiếp chỉ mặt, đặt tên một số sàn CKQT đang liên tục mời chào nhà đầu tư.

Tang vật lực lượng chức năng thu giữ được khi khám xét chỗ ở và nơi làm việc của Mr Pips
Mr Pips Phó Đức Nam tự xây dựng hình ảnh là một nhà đầu tư thành đạt

Trong số này, nhiều sàn giao dịch Forex vẫn ngang nhiên giới thiệu công khai các hoạt động tại Việt Nam, triển khai những hội thảo quy mô lớn trên nhiều tỉnh, thành, đơn cử như sàn giao dịch Exness. Tìm kiếm trên MXH Facebook sẽ dễ dàng thấy được các tài khoản mời chào nhà đầu tư tham gia vào các nhóm trò chuyện trên Zalo, với những lời có cánh như "Hành trình triệu $", "Lãi thụ động 10-20%", "Vốn nhỏ kiếm min 1 triệu/ngày - Vốn lớn kiếm min 100 triệu/ngày"... Nhiều người mới chưa có kinh nghiệm thì nhẹ dạ cả tin tham gia, có người sau nhiều lần thua lỗ lại muốn "tất tay" dẫn đến tán gia bại sản. Kể lại câu chuyện "đầu tư tài chính" của mình, anh Thuận (SN 1987, ngụ TPHCM) cho biết sự việc bắt đầu khi nghe một nhóm bạn ngồi bàn bên cạnh bàn tán về tiền số Crypto và Forex nên lên MXH tìm hiểu thử. "Sau khi tìm thấy một vài hội nhóm lên đến cả trăm ngàn thành viên trên mạng, tôi tham gia thì nhanh chóng được hàng chục người kết bạn, chủ động hướng dẫn tham gia các sàn như Ex..., IC...". Thông qua một "trader" tên Duy, anh Thuận mở tài khoản theo link được gửi và bắt đầu hành trình "đầu tư” vào Forex. "Tôi tìm hiểu kỹ càng mới bỏ vốn ban đầu gần 1.000 USD, nhưng trade kiểu gì cũng lỗ, đến khi thua hơn 100 triệu mới ngớ người ra", anh Thuận chia sẻ.

Tuy vậy, anh Thuận tiếp tục được hướng dẫn tham gia các hội nhóm "copytrade" (sao chép giao dịch - PV) với lời hứa có thể đạt lợi nhuận 100 - 200 USD/ngày chỉ với 1.000 USD tiền vốn. Muốn gỡ gạc lại và thấy nhóm trên ứng dụng Telegram có nhiều thành viên hoạt động sôi nổi, liên tục chia sẻ lợi nhuận "khủng" khiến Thuận nhắm mắt nạp tiếp 500 triệu đồng với mục tiêu gỡ lại vốn hoặc lời chút ít sẽ dừng ngay. "Sau khi làm theo hướng dẫn của nhóm này và Duy, tôi thấy tài khoản có lời thật với lợi nhuận khủng khiếp tới 20%/ngày. Tuy vậy, khi tôi muốn rút tiền thì mới tá hỏa bởi họ dùng nhiều cách để trì hoãn với lý do kỹ thuật, bắt nạp thêm, đóng thuế... Đỉnh điểm, khi tôi dọa đã chụp màn hình và tố cáo thì toàn bộ tài khoản đều bị chặn hoặc đá ra khỏi nhóm, đến đây tôi mới biết mình đã bị lừa", Thuận nói.

Cũng là một trong những nạn nhân, chị Thanh (SN 1994, ngụ TPHCM) cho biết, sau khi được bạn trai mới quen thông qua một ứng dụng hẹn hò giới thiệu về đầu tư Forex, chị nhanh chóng bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi tham gia làm giàu cùng những câu tán tỉnh từ gã đàn ông này. "Vì mình cũng thuộc nhóm có ước mơ được nghỉ hưu sớm, tạo thu nhập thụ động để có thể làm những việc mình thích nên lúc đó không nghĩ được gì hơn khi thấy những lời giới thiệu về lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng. Ban đầu còn sợ thua lỗ, mình chỉ thử đầu tư 5 - 10 triệu, sau đó gom góp toàn bộ tiền tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng để hưởng lợi nhuận từ việc sao chép giao dịch khi tài khoản hiện thị lợi nhuận lên đến 200 - 300%". Rắc rối xảy ra khi chị Thanh có việc gấp cần đến một khoản tiền nhỏ và muốn rút tiền thì lúc này mới ngớ người nhận ra mình đã bị lừa khi gã bạn trai cũng biến mất không để lại dấu vết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các công ty như của Mr Pips đã thuê rất nhiều người để phục vụ cho việc lừa đảo, với tên gọi mỹ miều là những IB - Introducing Broker. Những đối tượng này sẽ lập ra các tài khoản giả mạo, tham gia các hội nhóm có liên quan đến đầu tư chứng khoán, Forex để tìm kiếm con mồi hoặc trực tiếp telesale để giới thiệu sàn, giới thiệu nhóm Zalo, Telegram hướng dẫn giao dịch...

Hiện đang có nhiều người vì ham lãi suất cao và nhanh chóng rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Ngày 09/11/2024, PV nhận cuộc gọi từ số ĐT: 096...800 mời tham gia nhóm trên ứng dụng Zalo về đầu tư vàng, dầu, cổ phiếu. Người gọi xưng tên Trang, nói giọng nữ rất nhanh và lưu loát theo "kịch bản" có sẵn. Khi được hỏi, Trang cho biết mình làm việc cho "sàn giao dịch FTX..." có trụ sở tại Anh và chi nhánh thị trường Châu Á đặt tại Singapore. Trước đó, hàng loạt tin nhắn khác cũng được gửi đến qua MXH Facebook với mục tiêu lừa đảo, dụ dỗ đăng ký tham gia, nạp tiền đầu tư khi PV bấm nút tham gia một số hội, nhóm chuyên về giao dịch vàng, cổ phiếu ảo trên mạng như: "Forex - Đầu tư”, "Đầu tư tài chính Forex - Gold - Crypto", "Forex - Đầu tư thông minh", "Forex - Trader có tâm"...

Mr Pips Phó Đức Nam là ai?

Chiều 10/12, Cơ quan CSĐT, Công an TP.Hà Nội cho biết, kết quả điều tra bước đầu xác định Phó Đức Nam đã cấu kết với nhiều đối tượng khác để lừa đảo khi thành lập hàng loạt công ty, hoạt động như một tổ chức môi giới chứng khoán. Trước khi bị bắt, Mr Pips cùng đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 2.600 người.

Theo lực lượng chức năng, từ năm 2021, Nam và Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, biệt danh Mr Hunter, ngụ TP.Hà Nội) đã liên kết với một đối tượng người nước ngoài tại Campuchia để thành lập nhiều công ty "ma" đặt trụ sở tại TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Nhóm này lập tổng cộng 44 văn phòng đại diện tại Việt Nam và tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Song song đó, các đối tượng tiếp tục lập ra 5 trang có giao diện tiếng Anh với mục đích giả mạo là các sàn giao dịch Forex quốc tế, mua lượt bình luận, đánh giá từ các trang web nước ngoài chuyên đánh giá các sàn giao dịch để tạo uy tín hòng lừa đảo các nhà đầu tư.

Tang vật lực lượng chức năng thu giữ được khi khám xét chỗ ở và nơi làm việc của Mr Pips

Công an TP.Hà Nội thông tin, bản chất các sàn giao dịch này được thiết kế, xây dựng như một sàn giao dịch quốc tế thật sự, nhưng toàn bộ đều do nhóm của Phó Đức Nam quản lý, kết nối với các nền tảng, ứng dụng chuyên dụng cho các giao dịch ngoại hối như MT4, MT5... Các công ty, văn phòng do các đối tượng thành lập tuyển dụng hơn 1.000 nhân sự, trong đó có phân công nhiệm vụ rõ ràng như kế toán, nhân sự, bộ phận IT, bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng... Các bộ phận trong công ty thực hiện các hoạt động độc lập, bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua các MXH như Zalo, Telegram... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn là mời gọi tham gia đầu tư, hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận cao để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền qua các cổng giao dịch rồi chiếm đoạt.

Ban đầu, các đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nạp thêm tiền và chiếm đoạt, sau đó chặn toàn bộ liên lạc.

Sau thời gian dài điều tra, ngày 25/10, Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức bắt giữ hàng chục đối tượng trong băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia này. Đến nay, cơ quan điều tra đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các bị can, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa tài sản của các đối tượng tổng trị giá hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó gồm 127 tỷ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm tài khoản ngân hàng trị giá hơn 300 tỷ đồng, 216kg vàng, 128 bất động sản, 30 xe ôtô hạng sang các loại...

Từ ngày 30/10 đến ngày 15/11, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 31 đối tượng, trong đó có 26 bị can bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị can bị khởi tố về tội "Rửa tiền", 1 bị can tội "Không tố giác tội phạm", 1 bị can tội "Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Theo CATPHCM