Báo Công An Đà Nẵng

Người dân Làng Bích họa Tam Thanh phản ứng trước những tác phẩm “trừu tượng”

Thứ ba, 25/04/2023 09:05

Theo thời gian năm tháng, những bức họa trên dần dần bị phai mờ. Do đó, chính quyền địa phương đã kết nối các họa sĩ, làm mới các bức bích họa cộng đồng để tiếp tục thu hút du khách. Trên tinh thần đó, gần đây một nhóm họa sĩ trong, ngoài tỉnh đã đến thực hiện một số bức bích họa tại đây.

Tuy nhiên sau khi hoàn thành, nhiều bức tranh đã bị chính người dân địa phương phản ứng, đòi xóa bỏ.

Ngày 24-4, có mặt tại thôn Hòa Thượng (xã Tam Thanh), chúng tôi gặp nhiều người dân đứng bàn tán về những bức tranh vừa mới hoàn thành trên các tường nhà một số hộ dân. Khác với vẻ phấn khởi của những năm trước, ông Võ Ngọc Dương cho hay: “Trước đây nhà tôi cũng được các họa sĩ chọn để vẽ tranh. Họ vẽ rất đẹp. Sau khi vẽ xong du khách đến chiêm ngưỡng, chụp hình rất đông. Từ đó làng chài nổi tiếng với tên “Làng Bích họa”. Thế nhưng hiện nay, nhìn bức tranh trên tường tôi thất vọng vô cùng. Bức tranh có vẽ hình người với bộ ngực khá lớn đang kéo lưới, không rõ đàn bà hay đàn ông. Đàn bà thì không đi làm biển, còn đàn ông thì vẽ như thế không đúng thực tế. Tôi nhìn tranh vẽ xong thấy khá phiền, có nói họa sĩ nên sửa lại cho dễ nhìn, nhưng sau đó họ không sửa”.

Ông Võ Ngọc Dương không hài lòng trước bức bích họa trên tường nhà mình.

Ông Dương cho biết thêm, trước khi triển khai dự án này, chính quyền địa phương xuống lấy ý kiến người dân. Họ nói trước khi vẽ, họa sĩ sẽ đưa những bản mẫu để gia đình chọn, sau đó họ mới triển khai. Thế nhưng thực tế sau đó các họa sĩ tự vẽ theo ý tưởng của họ. Bức tranh hoàn thành thì chủ ngôi nhà mới biết. Điều này cũng khiến người dân bức xúc.

Đối diện nhà ông Dương là một loạt hình ảnh hội họa rất “khó hiểu” mà người dân địa phương rất bức xúc. “Chúng tôi nhìn vào đó thì không biết đó là hình vẽ con bò, con trâu hay con gì. Màu sơn thì đỏ lòe loẹt. Nhìn trông như chiếc quan tài. Tranh này quá trừu tượng, không hợp với cảnh làng quê, làng chài. Ai đi qua cũng dừng xe lại hỏi tôi bức tranh vẽ cái gì. Nhìn xấu xí và khó hiểu”- ông Nguyễn Hữu Nhân bức xúc nói.

Còn chủ nhân của ngôi nhà có bức “tranh lạ” trên thì phàn nàn: “Tôi không hiểu tác giả muốn thể hiện điều gì. Toàn màu đỏ, hình thù giống như chiếc quan tài. Trong khi vợ tôi đang đau nằm bệnh viện... Những bức tranh trừu tượng như trên chỉ phù hợp trưng bày trong triển lãm, dành cho người am hiểu nghệ thuật. Còn với người làng biển, tranh này không phù hợp”.

Trước một số hình ảnh trên, người dân địa phương nói chung và chủ nhân những ngôi nhà có bức tranh “khó hiểu” trên yêu cầu chính quyền nên xóa bỏ. “Chúng tôi nghĩ chính quyền địa phương nên vào cuộc xem xét, có biện pháp khắc phục hoặc xóa bỏ, trả lại hiện trạng ban đầu cho những ngôi nhà này. Nó quá xấu xí, không phù hợp với cộng đồng làng quê”- một số hộ dân đề nghị.

Một số họa sĩ khi nhìn vào các bức tranh trên cho rằng, trong nghệ thuật có nghệ thuật cộng đồng, nghệ thuật ứng dụng, nghệ thuật sáng tác mang hướng hiện đại, trừu tượng... Ở đây, do địa phương không có sự định hướng nên các họa sĩ tự do vẽ theo ý mình, theo phong cách của mình, không bám sâu vào tính cộng đồng, tính ứng dụng nên không vẽ theo mong muốn của người dân, của du khách. “Du lịch cộng đồng phải mang tính thực tế, từng vùng miền, phải mang tính ứng dụng. Vẽ cho dân thường xem thì con trâu phải ra con trâu, con cá phải ra con cá, không nên quá trừu tượng”- ý kiến nêu.

Người dân địa phương bức xúc trước những bức bích họa được họa sĩ thể hiện trong đợt này.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thanh Khôi - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, những bức bích họa trên vừa được các họa sĩ đến từ TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và Quảng Nam thực hiện trong 10 ngày (từ 4 đến 14-4). Các họa sĩ vẽ tranh miễn phí, chính quyền địa phương lo chi phí đi lại, ăn ở. Theo đó, có 25 tranh tường, 60 tranh trên chum, 55 tranh trên thuyền thúng và 9 tác phẩm điêu khắc được hoàn thiện, bổ sung thêm cho ngôi làng Bích họa Tam Thanh.

“Trước các ý kiến của người dân, chính quyền địa phương lắng nghe và sẽ tiến hành khảo sát. Những bức tranh nào không phù hợp sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với cộng đồng, vừa tôn trọng công sức của các họa sĩ đã đóng góp, đồng thời giữ được bản sắc, phong tục tập quán tại địa phương”- ông Khôi nói.

Lê Hải