Gian nan hành trình tìm bản sao kiệt tác của Da Vinci

Thứ hai, 03/12/2012 00:00

(Cadn.com.vn) – Cảnh sát Italia hôm 2-11 tuyên bố vừa mang về nước bản sao kiệt tác 400 tuổi của danh họa Leonardo Da Vinci bị mất cắp– bức bích họa chưa hoàn thành “The battle of Anghiari” (Cuộc chiến của Anghiari).

Năm 1503, Da Vinci được chính quyền Florence đặt vẽ bức bích họa khổng lồ trên một bức tường trong tòa nhà Palazzo Vecchio, tòa thị chính của thành phố Tuscan ở ở Florence. “The battle of Anghiari” mô tả cuộc chiến năm 1440 khi phe Giáo hoàng cùng với quân đội Florence tấn công Milan, thành phố quê hương của Da Vinci. “The battle of Anghiari” được cho là bức tranh tường lớn nhất trong sự nghiệp của Da Vinci; đồng thời cũng là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong cách người nghệ sĩ xử lý các vấn đề về cử động và hình dáng trong các tác phẩm sau này.

 Bức “The battle of Anghiari” do Rubens vẽ lại. Ảnh: BBC

Bức tranh này được ông vẽ thử nghiệm bằng kỹ thuật sơn dầu, nhưng không thành công và bị bỏ dở. Vài năm sau đó, khi bức họa cũ đi, Giorgio Vasari được các nhà lãnh đạo địa phương yêu cầu vẽ bức “Battle Of Marciano In Val Di Chiana” đè lên bức tranh dang dở của Da Vinci. Vì vậy, muốn lưu giữ sự đặc biệt của bức “The battle Of Anghiari”, họa sĩ Peter Paul Rubens chỉ còn cách vẽ lại bức “The battle of Anghiari”. Tác phẩm của Rubens được vẽ trên một bảng gỗ nhỏ kích thước 115x86cm, được nhìn thấy lần cuối cùng cách đây 73 năm, trước Thế chiến II, khi nó được trưng bày tại một cuộc triển lãm Da Vinci tại Milan.

Bức tranh biến mất trong thời gian dài trước khi người ta xác định nó thuộc sở hữu của một đại lý nghệ thuật của Thụy Sĩ. Sau đó, bức tranh lại được gửi tới Đức để phục hồi rồi được đưa đến trưng bày tại New York vào những năm 1970. “Cuộc phiêu lưu” của bức tranh kết thúc khi một nhà sưu tập giàu có của Nhật Bản mua nó trong những năm 1990. Theo kế hoạch, bức tranh sẽ được trưng bày tại bảo tàng Uffizi Gallery ở Florence vào năm 2013 và sau đó sẽ quay về Nhật theo một thỏa thuận cho thuê trong 4 năm với Bảo tàng Nghệ thuật Fuji tại Tokyo.

Còn ở Florence, các nhà khoa học và sử gia từ Đại học San Diego của Mỹ và các chuyên gia về nghệ thuật của Italia sử dụng công nghệ hiện đại để quét và phân tích bề mặt bức tường ở cung điện Vecchio. Nhiều sử gia cho rằng, bức bích họa của Da Vinci vẫn còn nguyên vì Vasari, một trong những người rất ngưỡng mộ Da Vinci, cố gắng “cứu” họa phẩm “The battle of Anghiari” chứ không làm mất nó khi vẽ chồng lên. Tuy nhiên, phương pháp tìm kiếm bức tranh đang gây nên cuộc tranh cãi gay gắt giữa các sử gia và những người thực hiện dự án.

An Bình

(Theo BBC)