Quảng Nam khảo sát hiện trường khu vực dự kiến đánh sập 7 hầm lò bổ sung ở Bồng Miêu
Theo phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Sơn, từ năm 1998, hộ gia đình ông đã đến khu vực đồi AD1 (thuộc khu vực Bồng Miêu, xã Tam Lãnh) để khai hoang cải tạo đất, trồng khoai, sắn… Đến năm 2006 thì vợ chồng ông dựng nhà ở khu vực này và làm trang trại nuôi dê, gà cho đến nay. "Dù trang trại của gia đình tôi nằm ngoài phạm vi mà đơn vị thi công thực hiện Dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng Bồng Miêu, thế nhưng đầu tháng 7 vừa qua, chính quyền huyện Phú Ninh đến yêu cầu gia đình tôi phải di dời tài sản để dùng mìn đánh sập 7 hầm lò cũ đã có từ thời Pháp tại đây.
Việc tổ chức hoạt động đánh mìn gần khu vực trang trại, nhà cửa của gia đình tôi đang sinh sống sẽ làm thay đổi hiện trạng, đảo lộn cuộc sống, đe dọa đến tài sản và tính mạng của gia đình tôi. Xét thấy quyền lợi của gia đình tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên tôi không bàn giao mặt bằng để triển khai việc đánh mìn tại khu vực này. Thế nhưng sau đó, UBND huyện Phú Ninh đã ban hành quyết định cưỡng chế để nổ mìn", ông Sơn nói và cho biết thêm, trước tình hình đó, ông đã cầu cứu đến Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo tỉnh quan tâm, xem xét lại việc tổ chức bảo vệ thi công, đánh mìn theo phương án phù hợp nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của gia đình ông.
Qua khảo sát, làm việc với hộ ông Nguyễn Ngọc Sơn tại hiện trường, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã giải thích các vấn đề pháp lý liên quan đến quy hoạch 3 loại rừng, nay khu vực này thuộc quy hoạch mỏ theo Quyết định 72 ngày 17-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030. Đồng thời khẳng định, việc sử dụng đất chủ yếu vào mục đích chăn nuôi của hộ ông Sơn chưa phù hợp với quy hoạch.
Theo UBND huyện Phú Ninh, hộ ông Nguyễn Ngọc Sơn tận dụng khu vực dưới tán rừng tự nhiên, ghềnh đá để chăn nuôi dê và dựng lán trại tạm phục vụ chăn nuôi tại vị trí nằm cách xa khu dân cư và xa khu trung tâm xã (tiếp giáp giữa 2 huyện là huyện Bắc Trà My và huyện Phú Ninh); khu vực chăn nuôi đi lại rất khó khăn do qua nhiều đồi dốc, khe suối, rừng cây dây leo bụi rậm, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa… "Toàn bộ diện tích đất đai trong khu vực xung quanh đồi núi có địa hình dốc, cây tự nhiên đang phát triển, được quy hoạch rừng tự nhiên sản xuất trước đây đều không được cấp sổ đỏ và đất này thuộc quản lý của UBND xã Tam Lãnh", lãnh đạo UBND huyện Phú Ninh thông tin.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các ngành chức năng, làm việc với hộ ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho rằng, việc đóng cửa mỏ quặng khoáng sản vàng Bồng Miêu là chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh. Với những vấn đề được ngành chuyên môn trao đổi, hộ ông Sơn nên ủng hộ, tạo điều kiện cho đơn vị thi công đánh sập 7 cửa hầm lò cuối cùng nằm trong khu vực gia đình đang chăn nuôi để hoàn thành thi công dự án vào cuối năm nay. "Sau khi đánh sập 7 hầm lò này, nếu hộ ông Sơn có nguyện vọng tiếp tục thuê đất để chăn nuôi, trồng rừng thì làm đơn và chính quyền địa phương hết sức hỗ trợ để hộ ông được tiếp tục sản xuất, phát triển kinh tế trên cơ sở đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật…", ông Dương Văn Phước nhìn nhận.
Trước đó ngày 17-7, UBND huyện Phú Ninh có thông báo triển khai phương án bảo vệ thi công để thực hiện nổ mìn, đánh sập 7 cửa lò trái phép phát sinh nằm trong khu vực trang trại của hộ ông Sơn; thời gian cưỡng chế nổ mìn bắt đầu vào sáng ngày 20-7-2024. Thế nhưng trước đó 1 ngày (ngày 19-7), chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam có Công văn số 424 đề nghị tạm dừng thi công đánh sập 7 cửa lò trái phép như kế hoạch đã định. Lý do chủ đầu tư cho biết, thực hiện Công điện số 7950 ngày 18-7-2024 của Bộ Tham mưu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về việc tạm dừng các hoạt động có nguy cơ cháy nổ, mất an toàn. Theo đó, đơn vị cung cấp thuốc nổ không vận chuyển thuốc nổ cung cấp cho Dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu.
BÃO BÌNH