"Vàng tặc" lộng hành, Bí thư Huyện ủy Phước Sơn nói gì?
Thời gian qua, tình hình khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục diễn biến phức tạp. Lý giải cho vấn nạn trên, Bí thư Huyện ủy Phước Sơn Đoàn Văn Thông cho rằng, hầu hết các điểm khai thác vàng phân bố ở vùng sâu, vùng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến việc kiểm tra, truy quét, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm…
Ông Đoàn Văn Thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm, địa phương đã tổ chức 18 đợt kiểm tra, truy quét tại các điểm khai thác khoáng sản có phép và không phép tại khu vực bãi 5A, bãi Khe Tăng (xã Phước Thành), bãi Cây Đa (xã Phước Lộc), bãi 38 (xã Phước Hòa), xã Phước Xuân (khu vực dọc Sông Đăk Mi 4), xã Phước Hiệp (khu vực ngã ba Đông Dương), xã Phước Đức. Trong quá trình truy quét đã phá hủy nhiều phương tiện, máy móc sử dụng để khai thác khoáng sản trái phép (80 lán trại, 25 tấm bạt, 29 máy nổ, 10 củ điện, 26 cối xay, 4 cối dập, 4 máy tời, 4 dàn khoan hơi, 1 dàn rùng, 4 xe rùa, khoảng 1.000m ống nước và 800m dây điện).
Cũng theo ông Thông, nhiều địa điểm, vị trí đã được chỉ đạo chốt chặn nhằm ngăn chặn các đối tượng tiếp tục quay lại hoạt động khoáng sản trái phép. Sau khi hoàn thành việc truy quét, lực lượng chức năng bàn giao địa bàn lại cho UBND các xã để tiếp tục quản lý, đồng thời chỉ đạo gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp xã nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép tái diễn.
"Đến nay, trên địa bàn huyện Phước Sơn chưa phát sinh các vụ án, vụ việc phức tạp hay điểm nóng, nổi cộm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Phước Sơn cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Quy trình đóng cửa mỏ đối với khu vực khai thác khoáng sản vàng gốc còn chưa đảm bảo hiệu quả (chỉ dùng đất đá để lấp các miệng hầm chứ không đánh sập, phun bê-tông) nên một số đối tượng dễ dàng đào, khui lại các cửa hầm để hoạt động khai thác trái phép; hầu hết các điểm khai thác khoáng sản vàng gốc phân bố ở vùng sâu, vùng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn cũng ảnh hưởng lớn đến việc kiểm tra, truy quét, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm", ông Thông lý giải.
Bên cạnh đó, Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cũng cho rằng, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, không có việc làm, thu nhập không ổn định (toàn huyện còn 1.933 hộ nghèo, trong đó chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số) nên một số người dân bất chấp nguy hiểm khai thác vàng tại một số điểm mỏ cũ, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của địa phương...
Trước thực trạng trên, Huyện ủy Phước Sơn đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh sớm giải quyết dứt điểm các thủ tục đối với các điểm mỏ khai thác khoáng sản hết phép khai thác đã lâu, như: bãi Vườn Rau (xã Phước Lộc), Khe Tăng (xã Phước Thành)… để thuận lợi trong quá trình quản lý của các ngành chức năng cũng như địa phương…
Trước những kiến nghị của huyện Phước Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Phước Sơn rà soát, nắm lại tình hình, có đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với từng địa điểm, báo cáo trực tiếp với tỉnh để có ý kiến chỉ đạo. "Cuối tháng 7 này, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe chuyên đề, nghiên cứu lại cách thức quản lý khoáng sản nói chung, trong đó có khai khác vàng nói riêng với tinh thần vào cuộc hết sức quyết liệt để ngăn chặn, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không để kéo dài", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Liên quan đến vấn nạn khai thác vàng trái phép, mới đây sau phản ánh của cơ quan truyền thông về tình hình khai thác vàng trái phép tại khu vực bãi 38 (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn), ông Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND xã Phước Hòa phối hợp với Công an huyện Phước Sơn tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép đang diễn ra tại khu vực bãi 38 và các khu vực lân cận; phá hủy, tịch thu các công cụ, phương tiện tham gia khai thác, chế biến quặng vàng trái phép. Đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là người đứng đầu tổ chức việc khai thác vàng trái phép ở các tụ điểm nêu trên; trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định để răn đe, giáo dục và có biện pháp quản lý, không để tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép tại các khu vực đã tổ chức truy quét, đẩy đuổi. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có trách nhiệm theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động khai thác khoáng sản ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, kịp thời có văn bản hoặc tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND các huyện và lực lượng chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia khai thác khoáng sản trái phép, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
TRẦN TÂN