Kỳ cuối: Không thể kiểm soát “vàng tặc”?
Hiện nay, ngoài đơn vị được giao nhiệm vụ đóng cửa mỏ theo Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu được Bộ TN&MT phê duyệt, qua ghi nhận cho thấy, ở một số nơi như: Thác Trắng, Đồi Sim, Sũng Mùn, Phú Thạnh và một số khu vực khác thuộc thôn Bồng Miêu tình trạng khai thác vàng trái phép đang hoạt động rầm rộ. Ngoài ra, nhiều nhóm đối tượng còn khai thác, chế biến vàng trong các khu rừng sản xuất, như: khu vực Hố Ba Liên, Truông Tối, Vực Bộng… ở thôn Đàn Thượng (xã Tam Lãnh).
Theo lãnh đạo xã Tam Lãnh, thời gian qua chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, xử lý nhiều trường hợp vi phạm; tiêu hủy, làm mất tác dụng nhiều phương tiện, vật dụng có liên quan. “Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, tình hình khai thác, chế biến khoáng sản vàng không phép trên địa bàn xã Tam Lãnh diễn biến phức tạp trở lại. Các đối tượng bất chấp sự kiểm tra, kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng để vào các khu vực thuộc thôn Bồng Miêu và khu vực thuộc thôn Đàn Thượng để khai thác, chế biến vàng không phép. Trong đó, một số khu vực có dấu hiệu sử dụng xe cơ giới để hoạt động khai thác vào ban đêm, trong khi đó lực lượng của địa phương mỏng nên khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý”, ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thông tin.
Trước thực trạng trên, UBND xã Tam Lãnh đề nghị UBND huyện Phú Ninh chỉ đạo Công an huyện tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét lớn. Địa phương này cũng đề nghị Phòng TN&MT huyện Phú Ninh tăng cường phối hợp, hỗ trợ UBND xã trong công tác kiểm tra, lập hồ sơ để xử lý các cá nhân sử dụng đất, cho thuê đất, cho mượn đất được nhà nước giao để khai thác, chế biến vàng không phép…
Ngày 3-5, trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án Đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu) cho hay, do nạn khai thác vàng trái phép và người dân chưa chặt cây bàn giao mặt bằng cho dự án (37 hộ dân dân trồng cây trái phép trên đất của dự án) nên ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Đáng nói, tại khu vực Núi Kẽm, mặc dù đơn vị thi công đã thi công hoàn thành khu vực này, nhưng do nạn khai thác vàng trái phép nên đến nay đã phát sinh thêm 36 cửa lò khai thác trái phép. UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Bộ TN&MT vào kiểm tra hiện trường và đã có văn bản thống nhất bổ sung 36 cửa lò trái phép vào đề án để tiếp tục đánh sập...
Trước tình trạng khai thác vàng trái phép làm thất thoát tài nguyên và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT, an toàn xã hội ở địa phương. Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị UBND các huyện: Phú Ninh, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My chỉ đạo Tổ công tác liên ngành của huyện và Công an huyện tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện; đặc biệt là các điểm nóng ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh và các xã: Phước Đức, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc, huyện Phước Sơn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, làm trong sạch địa bàn. Sau khi truy quét, giao cho UBND xã và các lực lượng chức năng liên quan quản lý, thường xuyên kiểm tra, xử lý, không để tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn.
Riêng đối với khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Ban QLDA tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Phú Ninh, Công an huyện Phú Ninh, UBND xã Tam Lãnh tổ chức truy quét và hỗ trợ đảm bảo ANTT trong quá trình triển khai thực hiện Đề án đóng cửa mỏ quặng vàng Bồng Miêu; chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung thực hiện, hoàn thành việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đúng tiến độ…
“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; trong đó, có khoáng sản vàng để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn”- lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
BÃO BÌNH