Báo Công An Đà Nẵng

Quảng Nam kiến nghị giao cho THACO thực hiện nạo vét tuyến luồng vào cảng Kỳ Hà

Thứ tư, 02/10/2024 08:40
Toàn cảnh buổi làm việc.

Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao tỉnh Quảng Nam đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và Cục Hàng hải Việt Nam bàn giao tuyến luồng cho tỉnh Quảng Nam quản lý, đầu tư nâng cấp để tiếp nhận tàu trọng tải 20.000DWT. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành thực hiện đầu tư 2 dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Tuy nhiên đến nay, do gặp nhiều khó khăn vướng mắc nên 2 dự án đã dừng và đang thực hiện công tác nghiệm thu, quyết toán.

Theo Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu Công nghiệp tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án), dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 1 triển khai từ năm 2006, quy mô đầu tư nạo vét toàn tuyến luồng Kỳ Hà dài 11km. Tổng mức đầu tư dự án được duyệt là 983,582 tỷ đồng, nguồn vốn đã bố trí cho dự án đến năm 2016 là 828,686 tỷ đồng. Dự án giai đoạn 1 gồm 6 hạng mục, đã quyết toán 3 hạng mục. Dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 triển khai từ năm 2018 dài 11km, tổng mức đầu tư 199,48 tỷ đồng, khối lượng giải ngân đến nay khoảng 100,12 tỷ đồng, tổng khối lượng thi công đến nay là 849.000m3 /1.800.000m3 (tương ứng 47% khối lượng thiết kế).

Trong quá trình thực hiện, do gặp nhiều khó khăn vướng mắc nên dự án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương dừng thực hiện. Chủ đầu tư dự án đang thực hiện thủ tục thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 1. Dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để làm cơ sở dừng thực hiện, quyết toán dự án.

Cũng theo Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu Công nghiệp tỉnh, hiện nay có nhiều vị trí tuyến luồng đã bị bồi lấp nghiêm trọng, không đảm bảo độ sâu an toàn cho tàu có tải trọng lớn vận chuyển ra vào Cảng biển Quảng Nam. Bên cạnh đó, hệ thống báo hiệu hàng hải trên tuyến luồng chưa có đơn vị chức năng, chuyên môn thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng theo quy định, cũng như không thể bố trí ngân sách địa phương để thực hiện quản lý vận hành hệ thống phao báo hiệu. Các sự cố (như phao bị trôi dạt khỏi vị trí thiết kế ban đầu, mất đèn, đèn không sáng ...) thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa mưa bão, ảnh hưởng đến việc lưu thông trên tuyến luồng.

Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty TNHH Cảng biển Quốc tế Chu Lai hỗ trợ thực hiện (bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp) khắc phục tạm thời các sự cố. Tuy nhiên, Công ty TNHH Cảng biển Quốc tế Chu Lai là đơn vị không có chức năng, chuyên môn về lĩnh vực này, do đó, việc khắc phục tạm thời này chưa đảm bảo tiến độ và yêu cầu của thiết kế, quy trình kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải. Nếu tình trạng này càng kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hàng hải bất cứ lúc nào cho các phương tiện hành thủy trên tuyến luồng.

Để giải quyết vấn đề nạo vét khẩn cấp của tuyến luồng và đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nâng cao năng lực lưu thông hàng hải, góp phần đảm bảo khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) nhiều lần đề xuất hình thức xã hội hóa nạo vét tuyến luồng Kỳ Hà nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện nạo vét và tăng cường vai trò của tổ chức, doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng luồng hàng hải.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu kiến nghị bàn giao nguyên trạng tuyến luồng Kỳ Hà cho Bộ GTVT và Bộ GTVT thống nhất cho Tập đoàn THACO thực hiện nạo vét tuyến luồng vào cảng Kỳ Hà để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt ủng hộ hình thức xã hội hóa nạo vét luồng Kỳ Hà của THACO, đồng thời yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chấm dứt dự án; kiểm tra quyết toán các hạng mục, khối lượng đã thực hiện để có cơ sở kiến nghị liên Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, giải quyết.

LÊ VƯƠNG

Quảng Nam phát triển kinh tế biển gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường

“Kế thừa những kết quả đạt được trong thời gian qua, phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển; thời gian đến, Quảng Nam tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển”.

An ninh, an toàn cho Cảng hàng không Chu Lai

Sân bay Chu Lai là sân bay lớn nhất Việt Nam hiện nay với diện tích 2.006 ha. Là Cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động sân bay quân sự. Được xác định là động lực phát triển của 2 khu kinh tế mở Chu Lai và Dung Quất nên sân bay Chu Lai công tác bảo đảm an ninh, an toàn luôn được chú trọng.

Cơ hội mới để tỉnh Quảng Nam cất cánh

Hôm nay (16-3), tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024.