Quảng Nam phát triển kinh tế biển gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường
“Kế thừa những kết quả đạt được trong thời gian qua, phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển; thời gian đến, Quảng Nam tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển”. Đó là một trong những nội dung chia sẻ của quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng liên quan đến Quyết định số 376/QĐ-TTg về Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ vừa mới phê duyệt.
Phóng viên: Để triển khai thực hiện Quyết định số 376/QĐTTg, thời gian đến Quảng Nam sẽ ưu tiên triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Ông Hồ Quang Bửu: Có thể nói, một trong những quan điểm phát triển của tỉnh là phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, Quảng Nam đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá của tỉnh trong đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể: Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội (KT-XH) hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược; Phát huy hiệu quả vai trò động lực, lợi thế cạnh tranh; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội; Nâng cao năng lực khoa học công nghệ.
Điển hình một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Đầu tư hệ thống giao thông liên vùng Đông - Tây; đầu tư cảng hàng không quốc tế Chu Lai, cảng biển Quảng Nam, hạ tầng logistics tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang; phát triển mạnh TP Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành; phát huy vai trò động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế mở Chu Lai với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô-tô; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang là cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến đường bộ hành lang quốc tế Đông - Tây; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp cơ khí, tự động hóa, chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng.
Đồng thời thu hút, kêu gọi đầu tư khu giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế tại Quảng Nam để hình thành 2 trung tâm, gồm phía Bắc tại Điện Bàn gắn kết với TP Đà Nẵng và phía Nam gắn với Khu kinh tế mở Chu Lai; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư các bệnh viện kỹ thuật cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phóng viên: Quảng Nam với lợi thế có bờ biển dài 125km, thời gian qua địa phương đã có những giải pháp nào để phát triển kinh tế biển; cũng như những chiến lược gì trong thời gian đến để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển?
Ông Hồ Quang Bửu: Quảng Nam được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, với chiều dài bờ biển 125km, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn 40.000km2 , hình thành nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản phong phú là tiềm năng to lớn để phát triển nghề khai thác thủy sản. Ngoài các lợi thế nêu trên, Quảng Nam còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, với các hệ sinh thái đặc thù, bao gồm nhiều quần thể như san hô, các loài hải sản đa dạng, phong phú quý hiếm có giá trị kinh tế cao; có Di sản Văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An với nhiều danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc cổ lâu đời có giá trị, đây cũng là một trong những lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch, văn hóa, lịch sử, biển đảo và sinh thái; các di sản văn hóa gắn kết với tài nguyên du lịch biển trong tổng thể Trung tâm du lịch miền Trung.
Xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển KT-XH của tỉnh, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Đồng thời đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững các ngành kinh tế biển. Hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển KT-XH, như: Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, chuỗi các đô thị gắn với dự án du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp ven biển ở Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Một số dự án du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng quy mô lớn trên địa bàn vùng Đông Nam của tỉnh đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển. Song song với đó, phát triển kinh tế biển đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Kế thừa những kết quả đạt được trong thời gian qua, phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển; thời gian đến, Quảng Nam tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển; tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin về biển, đảo, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá vị thế, tiềm năng về biển của tỉnh, nhằm thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch biển, đảo của tỉnh. Chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Quy hoạch sử dụng không gian biển gắn với mục tiêu quản lý liên kết vùng, giữa các địa phương có biển và không có biển, giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành lân cận (Đà Nẵng, Quảng Ngãi) tạo đòn bẩy mới cho khu vực ven biển phát triển bền vững.
Đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu vươn xa để đánh bắt, khai thác hải sản và mua sắm các trang bị, phương tiện cần thiết nhằm phục vụ thông tin, liên lạc kịp thời để tránh bão. Kết hợp xây dựng các công trình hạ tầng vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quốc phòng- an ninh và có khả năng đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về biển, đảo; thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo; tránh mâu thuẫn trong phân chia ngư trường khai thác, gây mất trật tự, an ninh trên biển. Thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường và quốc phòng, an ninh các địa phương ven biển.
Phóng viên: Việc triển khai thực hiện quy hoạch chắc sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, vậy đối với Quảng Nam những khó khăn đó là gì? Những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thời gian đến như thế nào thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Với các định hướng phát triển trong thời kỳ quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm, gắn với đó là các khó khăn nhất định, như: Mục tiêu phát triển có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và nhân dân thì chúng ta mới thực hiện được; việc phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là một trong những mô hình kinh tế mới và đang trở thành xu thế phát triển tất yếu. Vì vậy, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, có tính “dài hơi”, vừa làm, vừa hoàn thiện...
Việc địa phương đã và đang quyết liệt triển khai các nhiệm vụ ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã thể hiện quyết tâm, khát vọng phát triển của Quảng Nam. Để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển, ngoài thực hiện các giải pháp trong Quy hoạch, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch, tập trung hoàn thiện hệ thống quy hoạch đồng bộ trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh nắm rõ định hướng trong quy hoạch, xem đây là yêu cầu để cán bộ, công chức, viên chức phải có tư duy - hành động mới, có động lực làm việc hết sức, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Đồng thời tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm; thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để làm đòn bẩy tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
TRẦN TÂN (thực hiện)