Báo Công An Đà Nẵng

Soi đèn ra đồng vớt "lộc trời"

Thứ ba, 10/12/2024 17:01
Chị Hiếu vớt "lộc trời" khi màn đêm buông xuống.

Rươi xuất hiện nhiều từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm. Mỗi tháng, rươi chỉ nổi lên 2 lần vào những lúc triều cường, rươi ngoi lên chừng 7 đến 10 ngày nên người dân tranh thủ những ngày "vàng", huy động nhân lực ra ruộng vớt "lộc trời". Việc thu hoạch rươi chủ yếu được người dân thực hiện vào ban đêm, cũng có nơi thu hoạch vào ban ngày nhưng sản lượng ít hơn. Theo đó, vào mùa rươi, khi màn đêm buông xuống là lúc người dân xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân), xã Bùi La Nhân, Yên Hồ, Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ) lại xách đồ nghề, đội đèn ra ruộng thu hoạch rươi.

Rươi là món ăn giàu chất dinh dưỡng nên rất được nhiều người ưa thích. Đặc sản rươi có thể chế biến được nhiều món ăn như chả rươi, rươi xào măng, mắm rươi... Thương lái, người dân có thể ra tận ruộng để mua tại chỗ. Giá bán dao động từ 400- 500 ngàn/kg. “Việc thu hoạch diễn ra ban đêm, thời tiết cũng lạnh nên hơi vất vả một chút. Nhưng một tháng có vài đợt nên chúng tôi cũng cố gắng để kiếm thêm thu nhập. Đêm nào rươi lên nhiều thì được tầm 5- 7 kg; hôm nào lên ít thì được vài ba lạng"- chị Nguyễn Thị Hiếu (trú xã Quang Vĩnh) chia sẻ.

Vừa thu hoạch rươi, bà Phạm Thị Hằng (trú xã Xuân Hồng) vừa kể:“Mấy năm nay, vùng đất sản xuất lúa ở xã có rươi nên sau khi thu hoạch lúa, chúng tôi dùng lưới quay quanh ruộng để thu hoạch rươi. Những năm rươi nổi lên nhiều, có đêm 2 vợ chồng bắt được 5kg. Rươi mang lên được thương lái mua ngay trong đêm. Buổi ngày con rươi cũng lên nhưng ít hơn, do rảnh rỗi nên tôi tranh thủ ra vớt được chừng nào hay chừng đó”.

Theo những người thợ chuyên săn rươi cho biết, rươi đã xuất hiện lâu đời ở địa phương, trước đây, các dụng cụ dùng để bắt rươi như: vợt, rá… sau đó lội xuống ruộng để xúc, vớt rươi. Tuy nhiên, hiện nay người dân các vùng thu hoạch rươi đã xây dựng hệ thống cống thoát nước, giăng mành rộng như hình phễu ở cống, sau đó xả nước để rươi theo dòng nước chảy vào các phễu mành tạo điều kiện thuận lợi thu hoạch rươi được đảm bảo và năng suất tăng cao hơn rất nhiều với phương pháp truyền thống.Vào mùa này, cứ đêm xuống, người dân nơi đây lại thắp sáng điện, giăng lưới ở cống thoát nước thủy triều từ ruộng ra, chuẩn bị xô, chậu, vợt… sẵn sàng chờ rươi nổi lên, chảy theo con nước để thu hoạch. Những con rươi theo dòng nước sẽ bị mắc vào lưới, được người dân vớt lên bờ và cho vào các dụng cụ đã chuẩn bị sẵn. Chờ đến khi đồng tháo cạn nước có đêm tận 12 giờ mới về nhà.

Rươi sống trong hang, chỉ xuất hiện vào một số thời điểm trong năm phụ thuộc vào thủy triều, tuần trăng, thời tiết, nhiệt độ, độ mặn và nhiều yếu tố sinh thái khác.Môi trường sinh sống của rươi thường là ở các khu vực nước lợ, hoặc các khu vực tiếp giáp giữa môi trường nước lợ và nước ngọt. Rươi chỉ sinh trưởng trong môi trường sạch (đất, nguồn nước không bị ô nhiễm, không có thuốc kháng sinh và hóa chất độc hại). Đất tơi xốp, phì nhiêu, nhiều mùn bã hữu cơ, nhiều tảo, sinh vật phù du là môi trường thích hợp cho con rươi sinh trưởng và phát triển.

Bà Hằng vớt "lộc trời" trên ruộng lúa của gia đình.

Với giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế của con rươi, hiện nay, tại các vùng này, bà con chỉ sản xuất lúa trong vụ Xuân, thời gian còn lại người dân cải tạo, bổ sung dinh dưỡng cho đất để nuôi rươi. Rươi bán được giá nên góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân trên địa bàn các xã. Ngoài ra, việc sản xuất lúa trên đất rươi cũng có giá trị kinh tế hơn so với các vùng khác.

Trên mỗi ruộng lúa, trước khi mùa rươi "sôi", các chủ ruộng dùng lưới giăng quanh bờ để rươi không bơi sang ruộng nhà khác, lưới cũng là vật để rươi bám vào mỗi khi nước rút.

Ông Hà Văn Dần -Phó Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh cho hay: Quang Vĩnh là một trong những xã ngoài đê La Giang, hàng năm vào mùa mưa chịu nhiều thiên tai, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, thiên nhiên cũng ban tặng cho người dân Quang Vĩnh sản phẩm từ "lộc trời" là con rươi. "Rươi là một trong những sản phẩm giúp cho người dân địa phương có thu nhập ổn định, nhất là những năm gần đây khi sản phẩm từ rươi được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Thời gian tới, chúng tôi đang định hướng chế biến sản phẩm từ rươi tươi thành sản phẩm ruốc rươi đạt tiêu chuẩn OCOP"- ông Dần chia sẻ.

X.Sơn

Hành trình mang ẩm thực Việt xuất khẩu ra thế giới

Tính đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã (HTX) chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) với các sản phẩm: bánh chưng chay, cá nục rim, mỳ Quảng ếch đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Dự kiến sắp tới HTX Bà Ba Hội cùng đối tác của mình - Công ty cổ phần Quốc tế LNS sẽ mang các đặc sản khác vươn ra thị trường Mỹ, EU,

Hành trình khôi phục món ăn đặc sản của xứ Nghệ

Chúng tôi tìm về làng Tân Nhượng, xã Hưng Đạo, H.Hưng Nguyên (Nghệ An) vào một ngày cuối năm, bắt gặp không khí lao động ở đây thật khẩn trương, tất bật. Liên tiếp các mẻ chả dam được cho ra lò còn nóng hổi không kịp phục vụ khách hàng. Nhìn không khí ấy, khó ai có thể ngờ, món ăn truyền thống của làng Tân Nhượng bị thất truyền mấy mươi năm qua, mới được khôi phục

Nông dân vùng rươi “đỏ mắt” chờ ngày “săn” lộc trời

Dù mùa thu hoạch rươi đã đến được hơn 1 tháng, nhưng năm nay người dân vùng rươi xã Châu Nhân, H. Hưng Nguyên (Nghệ An) vẫn đang “đỏ mắt” ngồi chờ. Người dân đóng cọc, giăng lưới trắng đồng chờ đến ngày trăng lên để “săn” lộc trời.