“Độc chiêu” săn cáy của người dân xứ Nghệ

Thứ bảy, 12/11/2022 17:32
Nếu như trước đây, việc săn cáy được thực hiện thủ công bằng cách chụp bắt hay câu, năng suất thấp thì giờ đây người dân xã Châu Nhân, H.Hưng Nguyên (Nghệ An) đã có bí quyết “săn” cáy mới vừa đỡ tốn công sức vừa mang lại hiệu quả cao…
Chiếc cốc nhựa quét sẵn mồi được đặt trước miệng hang để săn cáy.
Bà Trần Thị Hồng chia sẻ về bí quyết quét mồi để dụ cáy ra khỏi hang.

Cáy là loài động vật giáp xác, sống ở vùng nước lợ. Ngoại hình của loài cáy khá giống cua nhưng trên mai có nhiều vân, chân có nhiều lông, đặc biệt là khả năng chạy rất nhanh nếu phát hiện có nguy hiểm. Ở xã Châu Nhân - cuối nguồn của dòng sông Lam là nơi được thiên nhiên ưu đãi để loại động vật này sinh sống và phát triển. Nhờ đó, bên cạnh rươi, cáy đã mang lại một nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây.

Thịt cáy chứa nhiều đạm được dùng để chế biến nhiều món ăn mang lại dinh dưỡng cao như canh cáy, bún cáy, lẩu cáy…, trong đó mắm cáy là món ăn ngon được nhiều người ưa chuộng. Những năm gần đây, giá cáy ổn định ở mức trên dưới 50 nghìn đồng/kg nên người dân ở xã Châu Nhân thường bắt số lượng lớn để nhập cho các thương lái.

Thấy nước triều rút cạn lộ rõ nhiều hang cáy sát bờ - đây là thời điểm cáy bò ra khỏi hang đi kiếm mồi, nên ông Võ Văn Quế, trú xóm Phú Xuân (xã Châu Nhân) ôm theo bì đựng cốc nhựa (loại cốc đựng nước mía) và hũ mồi được buộc vào thắt lưng đi ra bờ ruộng để bẫy cáy. Với động tác thuần thục, một tay ông Quế rút chiếc cốc nhựa lên, tay kia quệt vào hũ đựng mồi lấy một lượng vừa đủ sau đó xoa đều vào thành cốc từ miệng vào khoảng 5cm rồi đặt cốc xuống mép ruộng. Để cho cốc không bị nghiêng đổ, ông Quế lấy gót chân dẫm xuống bùn, tạo thành hố nhỏ đặt chiếc cốc nhựa nghiêng khoảng 45 độ trước cửa hang cáy. Cứ vài bước chân, ông Quế lại đặt một chiếc cốc, đủ khoảng cách để cáy tự chui vào. “Thường rạng sáng khi mới ngủ dậy, tôi sẽ mang cốc đi đặt, sau đó tầm 9-10 đi thu cốc về, đổ cáy ra đi nhập cho thương lái. Tùy từng hôm, có khi được vài kg nhà tôi để sử dụng, còn khi được khoảng 5kg trở lên tôi mang đi nhập cho thương lái” – ông Quế cho biết.

Ông Võ Văn Quế đang đi đặt bẫy săn cáy ở mép ruộng.

Trước đây, việc săn cáy được người dân chụp bắt bằng tay hoặc dùng câu nên năng suất thấp. Vài năm trở lại đây, người dân xã Châu Nhân đã tận dụng các chai nhựa phế thải để bẫy cáy. Những chai nhựa này được người dân cắt đi 1/3 phần phía trên, trừ lại 2/3 tận dụng làm công cụ săn cáy. Sau đó, người dân sẽ bôi mồi vào trong lòng cốc đặt trước cửa hang để dụ cáy chui vào. Cáy ngửi thấy mùi mồi thơm sẽ tự bò vào cốc nhựa ăn và không thể chui ra được. “Trước đây, người dân chúng tôi chỉ biết chụp bắt và dùng cần câu cáy, 1 lần đi nhiều nhất thì được 1-2kg. Cách đây khoảng 2 năm, có một nhóm người thợ săn cáy ở Thanh Hóa vào, họ sử dụng cốc nhựa đặt cáy nên người dân địa phương cũng học “mót”. Để có mồi thơm, bắt mùi thì mỗi nhà cũng sử dụng một bí quyết riêng. Tôi sử dụng cám gạo trộn với cám công nghiệp, rồi đập trứng vịt đổ vào khuấy thành một loại hỗn hợp sền sệt làm mồi bôi vào cốc nhựa. Khi phát hiện mùi mồi, cáy sẽ chủ động bò vào cốc và không thể bò ra. Sau 2 - 3 giờ đặt mồi, tôi sẽ đi thu gom cốc nhựa. Trung bình mỗi cốc nhựa đựng khoảng 5-7 con cáy, mỗi lần tôi đặt khoảng 50 cái cốc cũng thu được 3-5 kg. Ngày đi vài buổi cũng thu được 5-10kg cáy bán cho thương lái”- ông Võ Văn Quế chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Quế, việc săn cáy phụ thuộc vào lượng nước ở chân ruộng. Nước to cốc nhựa sẽ bị nước đẩy trôi, cáy không thể bò vào được. Nước cạn là thời điểm cáy đi kiếm mồi và sẽ lộ ra nhiều hang cáy, người dân chỉ bỏ mồi đi đặt cốc, mỗi cốc cách nhau chừng 1m, sau vài tiếng là có thể “thu hoạch”.

Chiếc cốc nhựa quét sẵn mồi được đặt trước miệng hang để săn cáy.

Khác với ông Quế, cách làm mồi săn cáy của bà Trần Thị Hồng (1972), trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân có vẻ cầu kỳ hơn. Bà Hồng sử dụng cám gạo rang thơm, giã khuyết khô (tép biển khô) nát, trộn đều cùng với nước. Đặc biệt, thứ không thể thiếu trong mồi săn của bà Hồng là mắm tôm. Mắm tôm sau khi trộn với cám gạo và khuyết sẽ tạo thành một hỗn hợp rất dậy mùi, thu hút cáy bò ra khỏi hang. Dụng cụ không thể thiếu của bà Hồng là chiếc que tre quấn vào miếng vải mỏng dùng để lấy mồi quét vào trong cốc nhựa. Theo bà Hồng, mồi càng quét sâu trong cốc càng tốt, ngoài việc dụ cáy ra khỏi hang còn là thức ăn dự trữ để nuôi cáy trong khi chờ đi thu cốc về.

Việc săn cáy của người dân nơi đây diễn ra quanh năm nhưng sau mùa lụt cáy nhiều hơn, béo mập hơn. So với cách săn thủ công như chụp hay câu, vợt như trước đây thì việc săn cáy bằng bẫy tỏ ra hiệu quả, năng suất vượt trội. Mỗi buổi đi săn, người dân có thể thu hoạch từ 5-10kg cáy, bỏ túi từ 250 -500 nghìn đồng. "Thực ra mỗi buổi đi bắt cáy chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ, nên tính ra thu nhập từ cáy cao hơn hẳn những công việc khác mà mình còn có thời gian để làm việc đồng áng, ruộng vườn, chăn nuôi..."- bà Trần Thị Hồng vui vẻ cho biết thêm.

Dương Hóa