Nông dân vùng rươi “đỏ mắt” chờ ngày “săn” lộc trời

Thứ năm, 10/11/2022 16:30
Dù mùa thu hoạch rươi đã đến được hơn 1 tháng, nhưng năm nay người dân vùng rươi xã Châu Nhân, H. Hưng Nguyên (Nghệ An) vẫn đang “đỏ mắt” ngồi chờ. Người dân đóng cọc, giăng lưới trắng đồng chờ đến ngày trăng lên để “săn” lộc trời.
Theo ông Võ Văn Quế, với những lỗ nhỏ để rươi chui từ đất lên nhiều như hiện nay, nếu rươi lên sẽ hứa hẹn một mùa bội thu.
Ông Võ Văn Quế đang giăng lưới đắp trẹm để chờ ngày rươi ngoi lên.

Xã Châu Nhân, H.Hưng Nguyên nằm cuối dòng sông Lam, được xem là vùng “rốn lũ” của cả tỉnh. Cứ đến mùa mưa lũ, Châu Nhân trở thành cái “túi đựng nước” của cả huyện. Vì vậy, người dân nơi đây chỉ trồng 1 mùa lúa, mùa còn lại để đi “săn” lộc trời. Bởi tuy là vùng “rốn lũ”, nhưng đây cũng là nơi được thiên nhiên ban tặng cho vị trí thuận lợi để người nông dân có thêm nguồn thu nhập nhờ đi “săn” rươi, cáy- lộc trời cho.

Rươi là loại thủy sản mang lại giá trị kinh tế và thu nhập khá. Giá rươi có lúc lên đến đỉnh điểm 500 nghìn đồng/kg, cũng có thời điểm tụt xuống 350 - 380 nghìn đồng/kg. Rươi sau khi mua về sẽ được nhập cho các nhà hàng chế biến trở thành các món ăn đặc sản được cho là nhiều chất đạm và chất dinh dưỡng như chả rươi, canh rươi nấu măng, mắm rươi, lẩu rươi… Từ khi rươi trở thành món hàng có giá trị kinh tế cao, việc thu hoạch rươi cũng không còn mang tính tự phát như trước mà đã có tính toán, đầu tư hơn.

Nghề “săn” rươi ở xã Châu Nhân có từ thời xa xưa. Mùa rươi thường xuất hiện tầm cuối tháng 8 đến tháng 11 AL hàng năm. Rươi "mọc" theo kỳ trăng, mỗi tháng 2 lần, vào đầu và giữa tháng. Thời điểm nước thủy triều sông Lam dâng, người dân sẽ đóng cọc, giăng lưới sẵn và đón nước vào ruộng. Rươi sẽ từ dưới lòng đất chui lên. Khi nước triều rút cũng là lúc rươi theo nước ra ngoài. Người dân đắp "trẹm" (nơi dẫn nước từ ruộng ra mương tưới tiêu) lại, vây lưới cao chừng 1 mét ở cửa ruộng rồi chỉ cần lấy vợt vớt rươi cho vào xô, mang bán. Rươi ở ruộng nhà nào thì sẽ của nhà đó, tuyệt đối không ai tranh giành của ai. Bởi vậy, để vớt được thứ lộc trời đặc sản này, điều quan trọng là phải canh đúng thời điểm. Có lúc rươi xuất hiện vào 1-2 giờ sáng, người dân vẫn í ới nhau mang theo vợt, xô, chậu đi thu hoạch. Ánh đèn pin đỏ rực cả ruộng rươi. Rươi được xem là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây.

Theo phản ánh của người dân xã Châu Nhân, tuy có năm sớm, năm chậm, nhưng những năm trước, vào thời điểm này, người dân nơi đây đã náo nức ra đồng để “săn” lộc trời. Còn năm nay, dù đã đầu tháng 10 AL nhưng cánh đồng rươi vẫn vắng ngắt bóng người. Người dân đang đóng cọc tre, giăng lưới trắng đồng để chờ ngày rươi ngoi lên.

Gia đình ông Võ Văn Quế (trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) có 1,2 mẫu ruộng rươi, trong đó có 2 sào đất khẩu (đất ruộng chia cho người dân) còn lại là ruộng đấu thầu của xã. Một mùa ông để trồng lúa, mùa còn lại để đi “săn” rươi. “Thời điểm này năm ngoái, chúng tôi đã thu hoạch được mấy tạ rươi. Có đêm, hai vợ chồng thu hoạch được 1 tạ, thương lái đến thu mua tận ruộng với giá dao động tùy theo ngày từ 350 - 500 nghìn/kg. Có nhiều đêm, gia đình thu nhập vài triệu đồng là bình thường. Thế nhưng năm nay, từ đầu mùa đến giờ, vợ chồng tôi mới vớt được hơn 1 kg rươi để gia đình sử dụng. Rươi năm nay xuất hiện muộn, người dân khá sốt ruột vì chỉ còn tầm hơn 1 tháng nữa là hết mùa rồi” – ông Võ Văn Quế có kinh nghiệm 15 năm “săn” rươi chia sẻ. Chỉ tay vào những lỗ nhỏ để rươi từ đất chui lên nhiều như hiện nay, với kinh nghiệm của mình, ông Quế cho hay, nếu rươi lên sẽ hứa hẹn một mùa bội thu.

Theo ông Võ Văn Quế, với những lỗ nhỏ để rươi chui từ đất lên nhiều như hiện nay, nếu rươi lên sẽ hứa hẹn một mùa bội thu.

Do rươi là động vật thân mềm, khó tính nên ruộng rươi cũng được người dân chăm sóc kỹ lưỡng. Đặc biệt, khâu cày bừa, làm đất được người nông dân chú trọng, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ để giữ sạch đất. Muốn rươi nổi đỏ đồng, ngoài các yếu tố thuộc về thời tiết, nước thủy triều thì việc giữ gìn môi trường sạch sẽ, không hóa chất là điều đáng quan tâm nhất. Ông Võ Đình Lan (xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) có 6 sào ruộng nhưng chỉ có 2 sào có rươi. Từ đầu tháng 9 AL, ông đã mang cọc tre, lưới ra giăng quanh ruộng và cố định lưới bằng bùn để chờ rươi ngoi lên. "Ruộng rươi đến mùa trồng lúa phải cấy rất thưa, bón phân đạm, lân, kaly để thân cứng, chống chọi bệnh tật chứ không sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Lúa thu hoạch xong phải cày bừa đất thật nhuyễn, bón phân chuồng đã ủ hoai kỹ để chuẩn bị thức ăn cho rươi. Theo kinh nghiệm của cha ông truyền lại thì ruộng bón phân sẽ nuôi rươi béo mập, năng suất, chất lượng hơn"- ông Lan cho hay.

Khi được hỏi về nguyên nhân vì sao năm nay rươi lên chậm, bà con nông dân nơi đây chỉ biết thở dài cho hay: Rươi là “lộc trời” cho, nên trời cho sao thì hưởng vậy. Tuy nhiên, cũng có một số người phỏng đoán, do gần đó có nhà máy nên có thể ô nhiễm môi trường (!?).

Dương Hóa