Đưa trẻ trở lại trường học: Tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”

Thứ sáu, 18/02/2022 17:18

Đó là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước về tình hình mở cửa trường học của các địa phương tổ chức sáng 17-2.

Các cơ sở giáo dục Mầm non tại TP Đà Nẵng khẩn trương chuẩn bị các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch để đón trẻ trở lại trường học.

An toàn, nhất quán trong việc mở cửa trường, đón trẻ học trực tiếp

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 16-2, cả nước có 54/63 tỉnh, thành đã tổ chức cho trẻ mầm non (MN) học trực tiếp; 59/63 tỉnh, thành cho học sinh (HS) tiểu học học trực tiếp; 63/63 tỉnh, thành cho HS bậc THCS & THPT đi học trực tiếp; trong đó riêng TP Hà Nội cho HS khối 1 đến khối 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành, khối 7 đến 12 các quận nội thành đi học trực tiếp; Vĩnh Long, HS khối 6, 9 đi học trực tiếp. Tổng số HS học trực tiếp là đạt tỉ lệ 93,71%. 100% cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy- học trực tiếp.

Bên cạnh một số thuận lợi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức cùng những vướng mắc khi mở cửa trường học tổ chức dạy-học trực tiếp. Đơn cử như một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô đưa trẻ em, HS đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi triển khai thận trọng, từng bước, có thí điểm thăm dò, nhất là ở cấp MN, tiểu học. Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp HS F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa đồng bộ và hợp lý dẫn đến nhiều HS phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0.

Đặc biệt, có địa phương yêu cầu 100% HS phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 mới được đến trường với kinh phí gia đình tự lo, gây phản ứng trong PHHS. Mặt khác, nhiều PH vẫn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, nhất là ở độ tuổi MN, tiểu học… Trên cơ sở đó, Bộ GD[1]ĐT nêu ra một số giải pháp đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch một cách nhất quán trong việc đưa trẻ em mầm non, HS đến trường học trực tiếp bảo đảm an toàn. Song song đó cần quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.

Từ kiến nghị của các địa phương, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, HS để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa lại trường học. Bộ Y tế sớm cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vaccine xin cũng như việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi... để Bộ GD-ĐT, các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh.

Trước những ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, thời gian cách ly với F1, Bộ Y tế đã có hướng dẫn số 11042, quy định thời gian cách ly với F1 là 14 ngày. Tuy nhiên, mới đây (16-1) đã điều chỉnh thời gian cách ly của F1 xuống còn 7 ngày với những người đã tiêm chủng vaccine. Với trẻ từ 5 đến 11 tuổi chưa được tiêm vaccine, cơ bản đồng ý trên nguyên tắc giảm thời gian cách ly với F1 còn 7 ngày theo đúng thông lệ quốc tế, xét nghiệm khi phát hiện bệnh và sau 7 ngày (bằng test nhanh hoặc PCR). Ủng hộ việc tổ chức bán trú cho HS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngành sẽ có hướng dẫn về điều kiện bảo đảm an toàn khi nhà trường tổ chức ăn bán trú. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng sẽ sớm cập nhật và phổ biến hướng dẫn chăm sóc trẻ là F0 tại nhà cho phụ huynh. Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, việc một số địa phương có quy định tất cả HS phải test trước khi đến trường là không nên, gây lãng phí…

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ các địa phương, các bộ, ngành có liên quan, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận: Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để sớm cho HS, trẻ đến trường trong an toàn. Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phải đưa trẻ đến trường trong an toàn và từ việc nêu ra những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của vi rút SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, các giải pháp đưa trẻ đến trường phải mang tính dài hơi, nhất quán nhưng không được cực đoan, “mạnh ai nấy làm”.

Các phương án phòng, chống dịch trong nhà trường cần phải chi tiết, liên tục được cập nhật, tập huấn và hướng dẫn cũng như truyền thông xuyên suốt. Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi trẻ đi học đồng loạt cần chấp nhận thực tế rằng ca nhiễm tăng. Theo đó, điều quan trọng là cần phải kiểm soát được tốc độ lây lan, có phương án xử lý ca nhiễm F0, F1 hợp lý cũng như liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị. Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể các loại thuốc có thể sử dụng trên tinh thần công khai, minh bạch đối với trẻ em chưa sử dụng được thuốc kháng virus. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì, kết hợp các phương thức dạy-học trực tuyến, qua truyền hình. Điều này cần được tuyên truyền thường xuyên để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đà Nẵng mở cửa đón học sinh trở lại trường học theo lộ trình

Tại Đà Nẵng, việc mở cửa trường đón HS các bậc học từ mầm non đến THPT được tổ chức theo lộ trình và chỉ ở những địa bàn có cấp độ dịch 1, 2, 3; những trường học ở địa bàn có cấp độ dịch 4 vẫn tổ chức dạy- học trực tuyến. Theo đó, Hòa Bắc (H.Hòa Vang) là địa phương đầu tiên và Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn là trường THPT đầu tiên trên địa bàn TP tổ chức đón HS trở lại trường học sớm nhất vào ngày 25-10-2021. Tiếp theo là HS và học viên khối lớp 12 đón HS trở lại trường vào ngày 22-11-2021; HS, học viên lớp 10, 11: ngày 29-11-2021; HS và học viên lớp 8, 9: ngày 6-12-2021; lớp 7: ngày 7-2-2022. HS, học viên lớp 6; học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các đơn vị, tổ chức, cơ sở đăng kí hoạt động giáo dục kĩ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa: từ ngày 14-2. Và từ thứ hai tuần tới (21-2), HS bậc tiểu học và bậc MN trở lại trường học trực tiếp.

Tuy nhiên, thời gian cụ thể đối với từng cơ sở MN sẽ do UBND các quận, huyện quyết định sau khi tổ chức kiểm tra thực tế. Và việc tổ chức đón trẻ trở lại trường học dựa trên cơ sở đăng kí tự nguyện của cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, chiếu theo quy định tại mục 3.3 trong Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học ban hành kèm theo Quyết định số 406 của Bộ GD-ĐT ngày 27-1-2022 về xử trí khi có trường hợp HS mắc COVID-19 thì thời gian cách li tại nhà và theo dõi sức khỏe của F1 chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine chưa phù hợp. Vì vậy, Đà Nẵng có kiến nghị đề nghị Bộ GD-ĐT sớm phối hợp điều chỉnh mục 3.3 này.

P.THỦY

(ghi và tổng hợp)