Phấn đấu giảm TNGT từ 5 – 10% ở cả 3 tiêu chí
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Sáng 9-12, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020, định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và triển khai năm ATGT 2021. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị; cùng dự hội nghị này có ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia; Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia và đại diện lãnh đạo, ban ATGT các tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu TP Đà Nẵng có ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì.
Tại Hội nghị, thay mặt Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Chủ tịch chuyên trách Khuất Việt Hùng đã báo cáo về kết quả thi đua thực hiện công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020. Trong 5 năm qua, cả nước đã xảy ra hơn 94.000 vụ TNGT, làm chết hơn 39.900 người, bị thương hơn 77.000 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm hơn 70.000 vụ, giảm gần 9.400 người chết, giảm hơn 90.000 người bị thương. Chỉ tính riêng năm 2020, toàn quốc đã xảy ra gần 13.000 vụ TNGT, làm chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 9.600 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.900 vụ, số người chết giảm 927 người, số người bị thương giảm gần 2.500 người. Số người chết và số người bị thương vì TNGT trong năm 2020 đã giảm sâu cả 3 tiêu chí, trong đó, số người chết vì TNGT đã giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây, giảm xuống dưới 7.000 người. Các địa phương đạt kết quả nổi bật trong kéo giảm sâu TNGT cả 3 tiêu chí trong 5 năm qua gồm có: Long An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Long, Yên Bái, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Nội. Đặc biệt, có 5 tỉnh giảm trên 30% cả 3 tiêu chí của năm 2019 so với năm 2015 là Long An, Trà Vinh, Yên Bái, Bình Định, Đà Nẵng.
Tham gia ý kiến tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, tình hình TNGT trên địa bàn TP từ 2016 đến nay giảm sâu trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Năm 2019 là năm thứ 6 liên tiếp TNGT trên địa bàn được kéo giảm về số vụ, số người chết và bị thương; không có TNGT nghiêm trọng nào xảy ra, không có ùn tắc kéo dài, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân từng bước được nâng cao. So sánh 2 giai đoạn từ 2011-2015 và 2016 đến 2020 cho thấy, TNGT trên địa bàn TP đã giảm sâu. Cụ thể: giảm 535 số vụ TNGT; số người chết giảm 265 người, số người bị thương giảm 543 người… Trong 5 năm qua, các lực lượng chứng năng của TP cũng đã xử phạt tổng cộng 296.343 trường hợp vi phạm, tiến hành xử phạt và thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 235 tỷ đồng. Đặc biệt thông qua hệ thống camera giám sát từ tháng 11-2016 đến nay, TP đã xử phạt 71.000 tường hợp…
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì điểm cầu TP Đà Nẵng. |
Bên cạnh các kết quả đạt được trong công tác thi đua thực hiện bảo đảm TTATGT trong 5 năm qua, tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham gia của đại diện các địa phương, đơn vị như: TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang, Cục CSGT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, v.v… đều có chung đánh giá: tình hình TTATGT trong cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ TNGT xảy ra vẫn còn lớn, số người chết và bị thương do TNGT gây ra vẫn còn ở mức cao; còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô-tô vận tải hàng hóa, xe ô-tô vận tải hành khách. Các ý kiến tham gia tại Hội nghị cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan về tình hình TTATGT và TNGT vẫn còn phức tạp, đó là do sự chỉ đạo, điều hành chưa hiệu quả; việc xây dựng, ban hành và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về ATGT còn chậm; năng lực và hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; một bộ phận CBCS, CBCC, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định…
Trong giai đoạn 2021-2025, Ủy ban ATGT Quốc gia đề ra các mục tiêu chính như: nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; phấn đấu giảm TNGT từ 5 - 10% ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị hàng năm; tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn. Riêng trong năm tới 2021, Ủy ban ATGT Quốc gia xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông và Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021. Trên cơ sở đó, Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai công tác bảo đảm TTATGT năm 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT”.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh: 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: TNGT trong 5 năm qua đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đó khẳng định các giải pháp mà Trung ương và Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị số 18-CT-TW của Ban Bí thư và Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao, cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo trên các mặt công tác.
Về nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm TTATGT; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh công tác TTKS và xử lý vi phạm về TTATGT; đẩy nhanh tiến độ đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông nằm bảo đảm TTATGT; thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông; tiếp tục hưởng ứng các hoạt động của Chương trình “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2021-2030” của Liên hiệp quốc về cải thiện ATGT đường bộ…
PHÚ NAM