Tạo xung lực mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam – Singapore

Thứ sáu, 10/02/2023 11:45
Sáng 9-2, tại Dinh Istana (Singapore), trong không khí hữu nghị, chân thành và tin cậy lẫn nhau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Triển lãm quy hoạch quốc gia thông minh Singapore.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Singapore.

Đề nghị Singapore hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực

Thủ tướng Lý Hiển Long nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Singapore; nhấn mạnh chuyến thăm góp phần tạo xung lực mạnh mẽ cho quan hệ Đối tác Chiến lược tốt đẹp giữa hai nước và là sự kiện mở màn quan trọng cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore trong năm 2023.

Hai Thủ tướng đánh giá cao những phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Singapore trên cả bình diện song phương và đa phương. Tin cậy chính trị ngày càng được củng cố nhờ trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Singapore dẫn đầu ASEAN và đứng thứ hai trên thế giới về vốn đầu tư tại Việt Nam với 3.095 dự án, tổng vốn 70,8 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn FDI đăng ký. Các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tiếp tục hoạt động hết sức hiệu quả và là biểu tượng của thành công trong hợp tác đầu tư.

Về trọng tâm hợp tác thời gian tới, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh; không ngừng thúc đẩy hợp tác kinh tế; triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ thiết lập "Quan hệ Đối tác kinh tế số-kinh tế xanh Việt Nam-Singapore" mới ký dịp này; tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Singapore gia tăng hỗ trợ Việt Nam phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, cũng như hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp 2021-2030. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Singapore tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Singapore, gắn kết quan hệ hai nước trên nền tảng giao lưu văn hóa và nhân dân hai nước.

Thủ tướng Singapore khẳng định Chính phủ Singapore luôn quan tâm tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt được đối xử công bằng và có cơ hội đóng góp cho xã hội Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đánh giá cao sinh viên Việt Nam luôn chăm chỉ và có thành tích tốt trong học tập và nghiên cứu.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác, giữ vững đoàn kết và thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong các vấn đề chiến lược như hòa bình ổn định trên Biển Đông và khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trân trọng mời Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam trong năm 2023. Thủ tướng Lý Hiển Long đã vui vẻ nhận lời.

Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ trao đổi 4 văn kiện hợp tác cấp Chính phủ và giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước gồm: Bản ghi nhớ (MOU) về Quan hệ Đối tác kinh tế số-kinh tế xanh giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Singapore; Bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Singapore; Bản ghi nhớ về Hợp tác Thanh niên giữa Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam và Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore giai đoạn 2023-2028; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Triển lãm quy hoạch quốc gia thông minh Singapore.

Thủ tướng tìm hiểu triết lý quy hoạch của Singapore

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Triển lãm quy hoạch quốc gia thông minh Singapore. Tại đây, Thủ tướng đã tham quan Mô hình toàn cảnh Singapore (Island-wide model) và nghe lãnh đạo Cơ quan Phát triển đô thị Singapore (URA) giới thiệu về quá trình phát triển của Singapore với tư cách là một quốc gia thành phố, các vấn đề quan trọng như quy hoạch và sử dụng đất; phát triển nhà ở cho người dân (khoảng 90% người dân Singapre sở hữu nhà ở, phần lớn người dân sống trong các căn hộ chung cư); xây dựng hệ thống giao thông (nhất là đường sắt, sân bay, cảng biển); bảo tồn và phát triển cây xanh; ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tiếp đó, Thủ tướng tham quan Triển lãm thành phố thông minh Singapore và nghe lãnh đạo Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ cho thành phố và cung cấp các dịch vụ cho người dân.

Với diện tích hơn 700 km2 và dân số trên 5,5 triệu người, Singpapore giữ vị trí thành phố thông minh nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp. Theo "Sáng kiến quốc gia thông minh" do Thủ tướng Lý Hiển Long đề ra cuối năm 2014, Singapore bắt tay xây dựng "thành phố của tương lai". Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore được thành lập theo sáng kiến này nhằm khai phá và phát huy các tiềm năng trong lĩnh vực số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, mang lại lợi ích cho người dân.

Trao đổi với lãnh đạo URA và Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore, Thủ tướng đặt câu hỏi về triết lý quy hoạch của Singapore. Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo URA cho biết trong quy hoạch, Singapore xác định tầm nhìn tới 50 năm và cả bộ máy sẽ phải làm gì, vận động thế nào để đạt mục tiêu đề ra. Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng đang thực hiện theo hướng này, với quan điểm quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đồng thời phải hết sức linh hoạt, phù hợp tình hình, không cứng nhắc.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về yếu tố quyết định để xây dựng thành công thành phố thông minh, lãnh đạo Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore cho rằng, điểm trọng tâm là phải giải quyết được những vấn đề của người dân, xem họ cần gì; công nghệ đã có nhưng phải làm thế nào để người dân muốn sử dụng và sử dụng được. Tán thành quan điểm này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trong quá trình phát triển; căn cứ nhu cầu của người dân để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.

VGP