2 cựu lãnh đạo Thanh tra Ngân hàng nhà nước cáo buộc lẫn nhau
Liên quan nội dung này, luật sư tiếp tục thẩm vấn bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB), bị cáo này thừa nhận nội dung cáo trạng kết luận bị cáo là người trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên liên hệ, bàn bạc với bị cáo Trương Mỹ Lan để truyền đạt, chỉ đạo việc hợp thức hóa hồ sơ, giải ngân để rút tiền cho bà Lan sử dụng. “Tại các cuộc họp bị cáo sẽ nói rõ: "Đây là chỉ đạo của chị Lan", bị cáo Dung nêu lại.
Tương tự, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) thừa nhận có tham gia các cuộc họp do bị cáo Dung triệu tập. Bị cáo Dũng khai không nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Lan mà chỉ nhận thông báo từ bị cáo Dung. “Khi bị cáo Mỹ Dung triệu tập, chỉ đạo các khoản vay không đúng quy định pháp luật thì bị cáo có nhiều lần tác động trong việc này... Bị cáo thấy mình làm việc như bù nhìn, được triển khai thì thực hiện chứ hoàn toàn không được ý kiến”, bị cáo Dũng nói trước tòa.
Đối với những nội dung trên, trả lời các luật sư trong buổi xét hỏi sáng 13-3, bị cáo Trương Mỹ Lan khai rằng, Ngân hàng SCB ban đầu là do Nguyễn Phương Hồng (đã chết) quản lý; bị cáo Hồ Bửu Phương phụ trách tài chính chỉ giúp SCB tìm công ty kinh doanh tốt, cổ phiếu có giá cho SCB mượn. Còn việc giải quỹ, bị cáo Trương Mỹ Lan khai hoàn toàn không biết, bị cáo chỉ nói bị cáo Phương hỗ trợ SCB còn làm thế nào thì bị cáo Lan không biết. Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng phủ nhận việc “đặt để” bị cáo Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB mà cho rằng việc này do bị cáo Đinh Văn Thành chọn.
Đáng chú ý trong phần xét hỏi của các luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NHNN) đối với bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN). Bị cáo Hưng từ chối trả lời nhiều câu hỏi, cho rằng mình đã trình bày trong những ngày xét xử trước đó.
Bị cáo Hưng phủ nhận cáo buộc chỉ đạo chỉnh sửa số liệu kết luận thanh tra để dẫn tới việc không phát hiện sai phạm tại SCB, không đưa ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, từ chối đánh giá báo cáo của đoàn thanh tra có trung thực không và đề nghị luật sư xem lại trong cáo trạng và kết luận điều tra. "Bị cáo không chủ động, không chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra sửa số liệu", bị cáo Hưng trả lời với luật sư.
Trước những lời khai của bị cáo Hưng, khi được luật sư hỏi, bị cáo Nhàn vẫn khẳng định lại chính bị cáo Hưng là người chỉ đạo mình chỉnh sửa kết luận thanh tra để báo cáo NHNN. Cũng theo bị cáo Nhàn, dù bị cáo Hưng không thừa nhận đã chỉ đạo nhưng cáo trạng đã chỉ ra điều này. Và bị cáo Nhàn còn nói thêm rằng, “Nếu anh Hưng tiếp tục chối thì bị cáo sẽ đưa ra chứng cứ chứng minh anh Hưng chỉ đạo”.
Theo bị cáo Nhàn, chứng cứ quan trọng nhất là báo cáo hoàn thành ngày 11-1-2018, trình Tờ trình 18, 19 đảm bảo minh bạch trong thanh tra. “Tại tờ trình, chúng tôi đề nghị anh Hưng thành lập bộ phận độc lập với đoàn thanh tra xây dựng dự thảo, nhưng anh Hưng vẫn để nguyên. Anh Hưng chỉ đạo sửa số liệu liên quan chỉ số an toàn SCB đã được tôi chỉ đạo cấp dưới dẫn tới sai lệch kết quả thanh tra", bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói trước tòa.
T.H