“Ánh sáng hy vọng” cho bệnh nhân mắt

Thứ ba, 22/11/2022 14:58
Dự án “Ánh sáng hy vọng” do Tổ chức Fred Hollows Foundation - FHF tại Việt Nam và Tập đoàn Novartis tài trợ được triển khai ở Quảng Nam từ tháng 3-2021 đến nay. Trong khuôn khổ Dự án, nhiều hoạt động truyền thông và khám sàng lọc các bệnh về mắt, hỗ trợ chuyển tuyến giúp nhiều bệnh nhân nghèo tránh mù lòa.
Dự án “Ánh sáng hy vọng” truyền thông, chăm sóc mắt người cao tuổi huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Dự án “Ánh sáng hy vọng” truyền thông, chăm sóc mắt người cao tuổi huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Nâng cao nhận thức

Ban Quản lý Dự án “Ánh sáng hy vọng” tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Trung tâm Y tế H.Nông Sơn tổ chức đợt truyền thông, giới thiệu Dự án kết hợp khám, sàng lọc các bệnh về mắt, tầm soát phát hiện bệnh glôcôm cho hơn 100 người dân trên địa bàn huyện. Glôcôm được cho là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 2 sau đục thủy tinh thể. Người dân rất vui khi được khám sàng lọc miễn phí và hỗ trợ điều trị bệnh glôcôm cùng các bệnh về mắt. Ông Vũ Đình Diên, trú thôn Trung Phước, xã Quế Trung phấn khởi khoe: “Chúng tôi là người dân nên gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc mắt nói riêng. Hôm nay, được Trung tâm Y tế huyện giới thiệu để nghe truyền thông và được thăm khám, điều trị các bệnh về mắt nên rất vui. Qua thăm khám, tôi được cấp phát thuốc và được chuyển tuyến trên để phẫu thuật mắt miễn phí”.

Năm 2022 là năm thứ hai Dự án “Ánh sáng hy vọng” được triển khai tại Quảng Nam. Các hoạt động như truyền thông, chăm sóc mắt, khám sàng lọc, hỗ trợ người bệnh chuyển tuyến… nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa được đẩy mạnh. Dự án được đánh giá là rất thiết thực khi mà nhận thức về chăm sóc mắt của người dân còn hạn chế, nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, thậm chí nhiều người mắc bệnh đến viện thì đã muộn. Bà Nguyễn Thị Lộc - Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Trung tâm Y tế H.Nông Sơn cho biết: “Lúc chưa có Dự án, không ít người dân chưa có thói quen đi khám mắt. Họ chỉ đến bệnh viện lúc mắt bị nổi cộm gây khó chịu hoặc nhìn mờ, bởi họ chưa nhận thức được các bệnh lý về mắt nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại ánh sáng lâu dài. Từ khi có Dự án “Ánh sáng hy vọng”, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ đi khám mắt nhiều hơn và số ca bệnh về mắt được phát hiện mới, điều trị sớm tăng lên”.

Tăng tỷ lệ khám mắt, giảm mù lòa

Theo số liệu điều tra các bệnh về mắt tại Quảng Nam năm 2015, các bệnh mù lòa đối với người dân trên địa bàn tỉnh là vấn đề rất quan trọng. Trong đó, tỷ lệ đục thể thủy tinh ở 2 mắt là 1% dân số, tỷ lệ thị lực kém do đục thể thủy tinh là 6% (1,131 triệu người). Số người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt cũng đáng quan tâm: tỷ lệ người bị đục thể thủy tinh sợ kết quả phẫu thuật không như ý và không có khả năng chi trả nếu đến cơ sở y tế phẫu thuật là 24% dân số; người không được tiếp cận do quá xa là 21%; số thấy không cần thiết (?!) là 19%...

Bác sỹ Nguyễn Minh Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt, đại diện Tổ quản lý Dự án “Ánh sáng hy vọng” tỉnh Quảng Nam cho hay, gần 2 năm triển khai Dự án đã thực hiện 20 sự kiện, chuỗi sự kiện truyền thông và khám sàng lọc các bệnh về mắt nhân các ngày: Thị giác thế giới (13-10), Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tuần lễ Glôcôm quốc tế (tổ chức tuần thứ 2 của tháng 3 hằng năm), Đái tháo đường thế giới (14-11). Qua các đợt truyền thông đã có hơn 15.000 lượt người dân tham gia. Cùng với đó, Dự án đã phối hợp với Đài PT-TH Quảng Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức sản xuất, phát sóng 36 video clip tuyên truyền phòng chống các bệnh về mắt; đồng thời hỗ trợ in ấn tờ rơi, thực hiện các tin nhắn gửi tới người dân thông điệp chăm sóc mắt; hỗ trợ 350 bệnh nhân chuyển tuyến… “Với các hoạt động trên đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức, từ đó bảo vệ và chăm sóc đôi mắt của mình hơn; tỷ lệ đến thăm khám và điều trị các bệnh lý về mắt tăng lên. Các bệnh lý trước đây người dân ít quan tâm hoặc chủ quan như đục thể thủy tinh, glô côm, võng mạc đái tháo đường… được người dân quan tâm hơn, góp phần giảm tỷ lệ mắt bệnh về mắt và mù lòa” - bác sỹ Nguyễn Minh Thu chia sẻ thêm.

Tài trợ triển khai Dự án “Ánh sáng hy vọng” tại Quảng Nam, tổ chức FHF tại Việt Nam và Tập đoàn Novartis đánh giá, Dự án ngắn hạn nên khó tạo ra tác động về mặt kinh tế nhưng qua khám sàng lọc sẽ giúp phát hiện các bệnh về mắt có thể gây mù lòa, giúp người dân tiếp cận được chữa trị, mổ mắt giúp phục hồi thị lực để họ có thể lao động bình thường. Điều này tác động bền vững lâu dài theo thời gian. Ông Shazli Ahmed Khan - Giám đốc ngành hàng Nhãn khoa, Tập đoàn Novartis Việt Nam hy vọng: “Tôi mong muốn thông qua Dự án “Ánh sáng hy vọng” sẽ giúp được nhiều bệnh nhân sàng lọc, tầm soát, điều trị sớm bệnh glôcôm; đồng thời khuyến cáo, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tầm soát càng sớm càng tốt, tăng cơ hội giữ lại những phần thị lực tốt, đảm bảo chất lượng cuộc sống”.

Thạch Hà