Ánh sáng, tiếng kẻng và tổ tự quản ở Chư Pưh

Thứ ba, 14/01/2025 07:30

Huyện Chư Pưh nằm ở phía Nam tỉnh Gia Lai, tiếp giáp với huyện Ea Hleo (tỉnh Đắk Lắk), có diện tích tự nhiên 71.695,02 ha, gồm 9 xã, thị trấn với 83 thôn, làng, tổ dân phố, có 37/83 thôn bản đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Lắp đặt camera và đèn chiếu sáng tại địa điểm trọng yếu, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
Lắp đặt camera và đèn chiếu sáng tại địa điểm trọng yếu, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.

Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Chư Pưh cơ bản được giữ vững, ổn định. Tuy nhiên, các thế lực thù địch nhất là các đối tượng FULRO, "Tin lành Đê Ga" vẫn không ngừng lôi kéo, dụ dỗ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động đi ngược với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, trốn đi nước ngoài. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, gây mất an ninh, trật tự (ANTT), an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo,...

Trước tình hình đó, Công an huyện Chư Pưh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng xấu, các loại tội phạm nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từ đó không nghe, không tin, không theo lời xúi dục, lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng xấu tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, trốn đi nước ngoài; cảnh giác trước những thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ), đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo ANTT, năm 2019, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ huyện Chư Pưh đã xây dựng và triển khai hoạt động Mô hình điểm "Ánh sáng - Tiếng kẻng và Tổ tự quản về ANTT" tại làng Tao Klăh, xã Ia Ròng, huyện Chư Pưh. Mô hình đi vào hoạt động và định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động và được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, với kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn kinh phí Nhà nước, xã hội hóa và vận động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp; phục vụ hiệu quả, đắc lực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại 9/9 xã, thị trấn trên toàn huyện Chư Pưh với 74 Tổ tự quản tại thôn, làng, tổ dân phố, gồm 690 thành viên nòng cốt thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, kỹ năng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia công tác bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ ít nhất 2 lượt/năm; lắp đặt 115 mắt camera tại 93 địa điểm trọng yếu, tiềm ẩn phức tạp về ANTT; 3.500 bóng đèn chiếu sáng trải dài trên 82 tuyến đường chính thuộc 57 thôn, làng trên địa bàn huyện, với tổng chiều dài hơn 92 km; 9 chiếc kẻng được bố trí ở các vị trí thuận lợi, kịp thời báo động, huy động nhân dân tham gia hỗ trợ giải quyết các tình huống, vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra như: Hỗ trợ bắt giữ các đối tượng phạm tội, tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư…

Kết quả, các Tổ tự quản của mô hình đã tham gia phối hợp thực hiện 3.956 buổi tuyên truyền pháp luật với gần 300.000 lượt người dân tham gia; phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an các xã, thị trấn thực hiện 5.875 lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ANTT, an toàn giao thông; tham gia bảo vệ hiện trường 37 vụ tại nạn giao thông, đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời; cung cấp 426 tin báo liên quan đến ANTT, hỗ trợ cơ quan điều tra, làm rõ 28 vụ trộm cắp tài sản, 37 vụ va chạm, tai nạn giao thông; gọi hỏi, răn đe, giáo dục 151 thanh thiếu niên hư, thường xuyên vi phạm pháp luật trên địa bàn; gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 181 đối tượng thuộc diện quản lý giáo dục tại cộng đồng, trong đó có 35 đối tượng quản lý đã có nhiều tiến bộ tốt.

Có thể khẳng định đây là mô hình hoạt động rất hiệu quả, thiết thực; thông qua mô hình đã hỗ trợ lực lượng Công an làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, điều tra, xử lý các vụ việc hình sự, kinh tế, ma túy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tác động điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở cộng đồng dân cư, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Ghi nhận kết quả đạt được Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho Ban Chỉ đạo mô hình và 1 cá nhân tiêu biểu trong tham mưu, thực hiện mô hình và biểu dương tại Hội nghị biểu dương mô mình, điển hình tiên tiến trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên giai đoạn 2018 - 2024 được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an đã thông báo nhân rộng mô hình trong toàn quốc.

G.L