Bạc Liêu truyện - Những câu chuyện độc đáo miền sông nước

Thứ ba, 29/11/2022 19:37
Bạc Liêu truyện là tập truyện ký của nhà văn Phùng Quang Thuận, do Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành tháng 10-2022. Sách dày 270 trang, khổ 13 x20cm, gồm ba truyện ký: Thanh minh Bạc Liêu, Tình chim, Bãi hoang, với những câu chuyện thú vị, độc đáo, mang văn phong chân chất, hào sảng, hồn hậu của người sông nước miền Tây.
Bìa của tập truyện ký Bạc Liệu truyện.
Bìa của tập truyện ký Bạc Liệu truyện.

Trước đó, Phùng Quang Thuận cũng đã ra mắt một số tập thơ đậm tình quê hương như: Mưa ký ức (NXB Hội nhà văn, 2018), Mặc mưa bay (NXB Hội nhà văn, 2019), Bến vắng (NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2021)…

Phùng Quang Thuận người làng Hòa Bình, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Theo Nhà văn Trần Bảo Định cho biết: họ Phùng mang hai dòng máu Hoa - Việt. Kể từ tiếng khóc ban sơ, họ Phùng bắt đầu đưa thân chìm nổi giữa dòng đời. Và nếu, bạn tìm đường trở lại quê cũ, tâm can thắt thẻo niềm thương nỗi nhớ chốn xưa thì bạn, đủ lắng và đọng để tĩnh tại cảm nghiệm nhịp thời gian trong thân tâm. Bấy giờ, bạn có thể nhận ra họ Phùng giữa mịt mù hư ảo đời sống như cánh chim phiêu bồng bay giữa khung trời hoài niệm họ Phùng (trong lời giới thiệu tập thơ Bến vắng). .

Do vậy, có thể nói Bạc Liêu truyện của Phùng Quang Thuận là một tập sách được tác giả thể hiện mang đậm bản sắc độc đáo văn hóa miền Tây hiếm có từ trước đến nay. Ở đó, chúng ta sẽ hết sức bất ngờ gặp gỡ một vùng đất mang nhiều giai thoại thần kỳ, với nhiều tạp dân, nhiều chủng tộc, nhiều ngôn ngữ, nhiều tục lệ khác nhau..., mà qua bao nhiêu biến động thời gian, đối đầu với trăm nghìn thứ hỗn tạp khó khăn, nhưng tình đất, tình người đã dìu dắt nhau vượt lên trên tất cả, tạo nên con người chân thật của vùng đất sống Cửu Long đáng quý như ta hằng biết.

Là người sinh ra, lớn lên, trưởng thành và trải nghiệm nơi vùng đất này, Phùng Quang Thuận đã dành những trang ghi chép tường tận, đầy xúc cảm bằng tấm lòng của mình. Ở "Thanh minh truyện", phần đầu tiên của tập sách, tác giả cho rằng: "Tết Thanh minh ở Bạc Liêu là một phần tinh hoa đặc sắc của nền văn hóa mới này". Bởi : "Một người Bạc Liêu có thể mang trong người cả ba dòng máu Việt, Miên, Tàu và do vậy khi cúng Thanh minh phải đi tất cả các nơi có mộ phần người thân của họ... Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều giữ cái riêng và mỗi nghĩa trang đều có cái vi tế của mình mà chỉ những thành viên trong đó mới hiểu". Để rồi, sau đó tác giả khẳng định: "Ba dân tộc Việt, Hoa và Khmer Bạc Liêu đã sống hòa thuận với nhau từ nhiều đời. Họ cùng khai hoang, cùng làm ăn sinh sống bên nhau, cùng chia sẻ hoạn nạn trong bao lần binh biến, cùng làm sui gia với nhau... nên họ rất hiểu về nhau. Họ thường dặn dò con cháu mình: "Nếu muốn người khác tôn trọng và chấp nhận văn hóa của mình thì con phải tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt trong văn hóa của người khác".

"Tình chim" là một truyện ký khá thú vị, viết về ông Bảy Dê "người hào phóng yêu thiên nhiên". Mà cụ thể ở đây, ông Bảy Dê yêu thương những cánh chim hoang dã. Khi những chú chim gặp nạn, lạc bầy: "Ông dành cho nó một chế độ chăm sóc đặc biệt, luôn ở trong tầm quan sát của ông. Nó ăn cơm chung với ông và ngủ gần ông". Rồi qua những biến cố thời cuộc, chiến tranh biên giới Tây Nam, với những nổi trôi phận người, ông Bảy Dê lại xin đi giữ vườn chim: "Tui muốn xin đi làm, vườn chim không ai quản lý, chim bị săn bắn nhiều quá. Chim ra ràng bị bắt đem bán. Nếu không có người giữ thì vườn chim sẽ mất, chim sẽ bỏ đi hết. Tui xin được ra giữ vườn chim. Có lương cũng được, không lương cũng được". Nhưng điều đó không diễn ra đúng theo nguyện vọng của ông Bảy Dê, mà số phận đẩy ông ra sống ở một khu kinh tế mới không xa lắm chợ Bạc Liêu. Rồi "nhà ông thành nhà của gần năm chục con sáo phóng sanh... Chúng kêu la, uống nước trà, rồi ỉa đầy nhà, đuổi không chịu đi". Nhưng cuối cùng, qua bao nhiêu chuyện vui buồn của chim và người, ông Bảy Dê hiểu ra rằng: "Con người cũng như chim sống cùng rừng, rừng cháy thì mạnh con nào con nấy bay..."

"Bãi hoang" có thể được xem là một câu chuyện tình kỳ lạ ở vùng sống nước Bạc Liêu. Truyện có độ dài chiếm hơn 1/2 tập sách, gồm 180 trang, với nhiều tình tiết độc đáo, ly kỳ, mang đậm tình đất, tình người đầy xúc động.

Xích Thốn - tên nhân vật chính trong truyện không một ai thân thích, không ai biết anh ta đến với xóm làng từ lúc nào, bằng cách nào. Năm đó chừng 20 tuổi, anh ta có chiều cao dị thường, nói tiếng Việt khó nghe, có pha tiếng Triều Châu, khờ khạo, gần như câm. Thời gian đầu, Xích Thốn sống nhờ vào các chùa, miễu xung quanh chợ Bạc Liêu, ai nhờ việc gì cũng nhận, không hề nói đến tiền công...Sau đó, Xích Thốn được Sư Từ cho tá túc ở ngôi đình cuối xóm.

Rồi số phận đưa đẩy, Xích Thốn gặp được một người phụ nữ, do chính anh ta cứu cô này khi đang đào thoát từ một tàu cướp biển. Anh và người phụ nữ (tên Pậu) nên duyên chồng vợ, sinh bầy con 7 đứa ... Một ngày kia, giặc dã, chiến sự lan tràn, Xích Thốn đi kiếm Sư Từ vốn đã rời khỏi làng từ trước đó mà không nghe rõ tin tức. Anh đi với mấy trái bình bát chín làm lương thực trên đường, lần đó không bao giờ về nữa... Dù vậy, người vợ không đến nỗi cô đơn, vì bây giờ bà không còn là người phụ nữ một thân một mình đào thoát từ tàu cướp biển, lạc lỏng tá túc vào bờ, mà "bà cũng có một quê hương, một nơi để trở về...". Bà nghe những người xung quanh nói với nhau: "Đàn ông, nam tử trước khi chết phải để lại cho đời một cái cây, một cuốn sách và một đứa con trai". Câu này bà hiểu lờ mờ... Vậy là ông Xích Thốn không mất đi, ông cũng đã làm xong nhiệm vụ của mình. Nếu ông không trở về nữa, ông cũng đã để lại hai thứ, mấy đứa con trai giống hệt ông và cây bình bát với cây mù u. Về cuốn sách, do ông không biết chữ nên được miễn tính. Như vậy là cuộc đời của bà và ông Xích Thốn không phải là không có ý ngĩa và không để lại được gì...! Mà thiệt sự là ông và bà đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa...

Hẳn điều đó, đủ làm bà Pậu mãn nguyện đến ngày nhắm mắt.

Trần Trung Sáng