Bác sĩ Bình Thuận bật khóc khi bệnh nhân cuối âm tính
Bệnh nhân nhiễm nCoV cuối cùng điều trị tại Bình Thuận có kết quả xét nghiệm âm tính, các y bác sĩ ôm chầm lấy nhau, có người khóc vì vui mừng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho biết theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, "bệnh nhân 36" âm tính lần đầu vào sáng 6/4. Đây là một trong số 9 bệnh nhân nCoV tại tỉnh Bình Thuận.
"Bệnh nhân 36" là người giúp việc cho gia đình "bệnh nhân 34" ở thành phố Phan Thiết. Bệnh nhân 36 có bệnh nền tăng huyết áp, xơ phổi, nên điều trị khó hơn các bệnh nhân nhập viện cùng lúc. Một ca khác đang điều trị tại đây là "bệnh nhân 44" (bé trai 12 tuổi) cũng đã có kết quả âm tính lần đầu.
"Nếu tình hình tiến triển tốt, có khả năng, cuối tuần này, hai bệnh nhân cuối cùng sẽ được xuất viện", bác sĩ Thành cho hay.
Các bác sĩ òa khóc khi nhận kết quả "bệnh nhân 36" âm tính lần đầu, sáng 6/4. Video: Khoa Truyền nhiễm BV tỉnh Bình Thuận.
Lúc nhận thông báo bệnh nhân cuối cùng có kết quả âm tính, những người làm công tác điều trị tại Khoa Truyền nhiễm vỡ òa cảm xúc. Các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên hộ lý tại đây ôm nhau khóc, mừng vui khôn tả, bởi công tác điều trị cho 9 bệnh nhân nCoV của Bình Thuận sắp hoàn tất.
Bác sĩ Dương Thị Lợi, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết khoảng 8h30, lúc giao ban xong, chị cùng một số nhân viên đang ăn cơm thì nghe thông báo kết quả từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. "Mấy anh chị em trong khoa mừng quá, ôm nhau nhảy, khóc, không kịp mang khẩu trang khi quay clip", bác sĩ Lợi nói.
Từ lúc Bình Thuận ghi nhận ca đầu tiên, nhóm y bác sĩ gồm 17 người tham gia điều trị cho các bệnh nhân nCoV tại Khoa Truyền nhiễm đã phải ăn nghỉ tại chỗ, không về nhà gần một tháng qua. Mọi sinh hoạt đều tách biệt trong khu cách ly.
Một số nữ điều dưỡng có con nhỏ, mọi công việc ở nhà đều phải nhờ chồng quán xuyến. Những lúc hết ca trực, nhớ con, họ gọi về nhà qua các ứng dụng chat video. Tuần trước, một nữ điều dưỡng không thể về chịu tang mẹ do tham gia công tác điều trị tại đây. Chị chỉ biết gạt nước mắt hướng về nhà với nỗi day dứt.
Bác sĩ Lợi cho biết lúc đầu khi đón nhận cách ly và điều trị 9 bệnh nhân địa phương, tâm lý của chị cũng như đồng nghiệp không khỏi lo lắng, bởi cơ sở vật chất ở Khoa Truyền nhiễm đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Áp lực tinh thần luôn đè nặng lên ê-kip điều trị, nhất là lúc hay tin có đồng nghiệp ở Hà Nội bị lây nhiễm chéo.
Dù vậy, họ không nản lòng. Các y bác sĩ trong khu cách ly luôn động viên nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tuyến đầu phòng chống dịch. "Thấy các bệnh nhân đặt niềm tin vào người thầy thuốc, chúng tôi phải nỗ lực hết mình để họ sớm hồi phục", bác sĩ Lợi chia sẻ.
Các y bác sĩ trực ở Khoa Truyền nhiễm, sáng 3/4, chụp ảnh kỷ niệm sau khi 7 bệnh nhân được chữa khỏi xuất viện. Ảnh: Việt Quốc. |
Ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Bình Thuận là "bệnh nhân 34", nữ doanh nhân Đặng Thị Lynh Trang, 51 tuổi, sau chuyến đi Mỹ trở về hồi cuối tháng 2. Ngày 10/3, bà được xác định dương tính với nCoV, và là nguồn "siêu lây nhiễm" cho 8 người ở Bình Thuận và 2 người ở TP HCM.
Ngoài "bệnh nhân 34", 8 người (gồm: chồng, con trai, con dâu, cháu ngoại, bà sui, người giúp việc, nữ nhân viên công ty và con trai nữ nhân viên công ty) cũng được cách ly điều trị tại khu cách ly Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận.
Bảy bệnh nhân 34, 37, 38, 40, 41, 42, 43 đã xuất viện hôm 3/4, còn lại hai bệnh nhân 36 và 44. Mẹ "bệnh nhân 44" là "bệnh nhân 37" được cho xuất viện, nhưng đã xin ở lại cách ly phòng bên cạnh để động viên tinh thần con trai.
Theo vnexpress