Bài học từ cánh đồng

Thứ tư, 15/02/2023 14:42
Nhà tôi ở giữa hai cánh đồng. Đồng Ngoài phẳng phiu màu mỡ,  kênh mương chằng chịt, ruộng lúa quanh năm xanh tốt. Đồng Trong phải lội sông băng đèo, là những thửa ruộng nằm trên gò đất cao. Làm ruộng Đồng Trong phải chịu nhọc, nhọc ở chỗ trời không mưa thì phải tát nước. Bằng cách nào hả? Thì tát nước bằng gàu dây.
Tát nước bằng gàu dây.
Yêu biết mấy cánh đồng quê hương!

Miền Trung quê tôi gọi gàu dây (phía Bắc gọi gàu giai) được đan bằng tre và mây. Gàu có hình chóp tròn nhọn. Ở hai bên mép của miệng và đáy gàu có khoan lỗ để luồn dây. Tát nước bằng gàu dây cần hai người đứng đối diện nhau, mỗi người cầm một dây miệng và một dây đáy. Tát nước gàu dây? Nghe thì dễ nhưng làm hơi bị… khó. Phải nghiêng mình, đứng choãi chân trước chân sau. Phải giữ thăng bằng và đồng bộ, phải cân đối nhịp nhàng. Tóm lại là phải phối hợp thật ăn ý mới điều khiển được gàu. Ban đầu thì cùng khom người, thả dây chùng để miệng gàu vục xuống, múc đầy nước rồi cả hai choãi người ra sau, kéo căng dây để nâng gàu lên. Phải thật đồng bộ để nước trong gàu không bị đổ ra. Sau đó cả hai cùng hất mạnh dây thừng ở phía đuôi gàu để đổ nước lên ruộng. Phải canh cho miệng gàu lên tới miệng sòng rồi cùng rút dây đáy. Rồi lại tiếp tục khom người… Lưu ý, tùy theo khoảng cách mực nước với ruộng mà điều chỉnh độ dài dây gàu cho phù hợp.

Thường thì một tuần đi tát nước một lần. Đứng giữa đồng tát nước dưới nắng thì cực lắm nên dân quê tôi thường rủ nhau đi tát nước đêm, ưu tiên những đêm có trăng.

Tát nước đêm trăng, nghe thôi đã thấy hấp dẫn rồi. Cô nàng ưa náo nhiệt tôi không ỉ ôi xin đi mới lạ. “Mẹ ơi, anh ơi, cho Út đi tát nước với?!”. Tôi bị cả hai đồng thanh hét: “Xách cái gàu còn chưa nổi thì làm sao tát nước mà đòi?!”. “Phải ra ruộng thì tới trường mới làm Tập làm văn được chứ…”- tôi nài nỉ. “Đi thì đi, nhưng chỉ được ngồi trên bờ nhìn người ta làm thôi. Muỗi cắn nát thân thì ráng chịu nghe…”. Tôi đời nào sợ muỗi mà “hù” cho mất công. Vậy là hăm hở cơm đùm cơm dỡ theo mẹ và anh vô đồng tát nước.

Cánh đồng mênh mang, lúa đang thì con gái ngạt ngào tươi tốt. Ánh trăng tắm mát đất trời, phủ lên ruộng lúa một tấm lụa vàng mềm mịn, trong suốt. Cánh đồng trăng, dòng sông trăng, chiếc gàu trăng… Bát ngát trăng, ngập tràn trăng. Chao ôi, khi chiếc gàu vục xuống, mặt nước xao động, ánh trăng tan ra, tan ra… lung linh sóng sánh.

Tát nước bằng gàu dây.

Cánh đồng quê đêm trăng thanh bình mà náo nhiệt. Gần xa lao xao tiếng cười hi hi của cô Ba, tiếng hát “gẹo gái” của chú Tám, tiếng bác Năm ho lụ khụ vì uống ngụm nước bị sặc, tiếng mẹ liên tục nhắc: “Bé, lấy áo trùm đầu lại kẻo muỗi, coi chừng sương xuống lạnh”… Tôi có ngồi một chỗ đâu mà mẹ sợ muỗi sợ sương. Còn phải hỏi, tôi còn bận chạy lại chỗ bác Tám, cô Ba…. “Khéo đẻ cái miệng ra trước, có nó ra đồng gợi chuyện vậy mà vui, bữa sau nhớ đem cái “đài phát thanh” theo nữa nha”… Mẹ lắc đầu “cám cảnh”, còn tôi hiểu là mình được khen, sung sướng đến ngất ngư. Được thể, tôi năn nỉ mẹ cho được đứng tát nước với anh Năm. “Đứng một mình còn để lọt dưới ruộng mà “hăng”. “Sao mẹ lại mất lòng tin vào con gái đến vậy”… Tôi lí sự đủ kiểu, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt của “người thua cuộc”: “Lại tát cho biết khổ nè”…

Tôi mừng quýnh quáng, nhanh nhẩu lại cầm hai sợi dây. “Được chưa, khom người thả gàu xuống múc nước nè!?”. Cái gàu rơi xuống nước, kéo lên nhẹ hều, chỉ vài giọt nước chui vô gàu. “Lại! Nghiêng người, thả chùng dây xuống, để nước vô đầy gàu mới kéo lên nè”... “Bập”, một gàu nước tràn miệng luôn. “Thấy em học nhanh chưa ? 1,2,3 kéo lên nè!”. “Bủm”. Tôi và cái gàu dây đổi vị trí cho nhau. Gàu lên tới bờ thì tôi lộn đầu xuống nước. Tôi khóc hu hu liền, tại lúc ấy tôi thấy mình tội nghiệp y như con cò ăn đêm, “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” vậy. Anh Năm vứt gàu nhảy ào xuống nước “múc” tôi lên. Mẹ bực mình gắt: “Nhiễm sương, nhiễm nước chắc bệnh quá... Bữa sau ở nhà dùm tui cái!”.

Tôi lớn lên, rời bỏ những đêm trăng ở cánh đồng quê hương nhưng chưa bao giờ tôi chối bỏ nguồn gốc “dân rạ” của mình. Trong những giấc mơ, tôi thường thấy mình bé lại, đêm trăng lon ton theo mẹ ra đồng... Điều đặc biệt hơn là nhờ cái lần “lộn cổ xuống ao” ấy mà tôi khắc cốt ghi tâm rằng, khi phải làm việc tập thể thì không được làm theo cách riêng của mình mà phải biết nương vào nhau, phối hợp với nhau để thực hiện…

Cảm ơn bài học quý giá của cánh đồng quê hương.

Nguyễn Thị Bích Nhàn