Bảo đảm nguồn cung thực phẩm của TP Đà Nẵng

Thứ ba, 27/07/2021 10:08

Trước tình hình ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới COVID-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) và lò mổ Đà Sơn (quận Liên Chiểu), tại cuộc họp chiều ngày 26-7, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương lấy mẫu, xét nghiệm, khoanh vùng các khu vực liên quan đến bệnh nhân; đồng thời phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh tại khu vực lò mổ Đà Sơn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong bối cảnh cảng cá Thọ Quang đã tạm dừng hoạt động.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại các chợ đã hiện hữu và có nguy cơ rất cao.

Theo Văn phòng UBND thành phố, từ 13 giờ ngày 25-7-2021 đến 13 giờ ngày 26-7-2021, toàn thành phố ghi nhận thêm 34 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ghi nhận từ ngày 10-7-2021 đến nay lên 438 ca. Đáng chú ý, hầu hết các ca nhiễm ghi nhận trong ngày đều liên quan đến 3 chuỗi lây nhiễm chính. Trong đó, liên quan đến lò mổ Đà Sơn đã phát hiện thêm 5 ca, nâng tổng số ca nhiễm liên quan tại khu vực này lên 29 ca (5 ca làm ở lò mổ Đà Sơn, 24 ca liên quan đến lò mổ). Chuỗi lây nhiễm tại cảng cá Thọ Quang đã phát hiện thêm 20 ca, nâng tổng số ca nhiễm liên quan tại đây lên 39 ca. Trong đó có một số ca phát sinh tại các chợ trên địa bàn (1 ca bán cá ở chợ Nam Ô, 1 ca bán ở chợ Đầu Mối, 1 ca bán ở chợ Quang Thành, chợ Phước Mỹ)... Còn chuỗi lây nhiễm liên quan đến Công ty V.H, trong ngày cũng đã ghi nhận thêm 9 ca mới.

Tại cuộc họp, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, trong ngày 26-7, qua kiểm tra thực tế tại lò mổ Đà Sơn và một số địa bàn, ông Triết cho rằng, hiện tại cảng cá Thọ Quang đã tạm dừng hoạt động, vì vậy phải quyết tâm giữ cho lò mổ hoạt động, nếu không 2 nguồn cung cấp thực phẩm chính cho thành phố cùng bị đóng cửa thì sẽ rất khó khăn; muốn như vậy thì phải có các biện pháp mạnh hơn. Liên quan đến việc phân phối thịt, ông Triết đề nghị các chủ, đầu nậu phải có phương án phân bổ đến khách hàng của mình, không để khách hàng trực tiếp đến lò mổ nhận, tương tự như phân phối tại cảng cá Thọ Quang. Về nguồn cung gia súc (trâu, bò, heo...) đến lò mổ, ông Triết đề nghị chỉ nhập vào ban ngày để dễ dàng kiểm soát, phân tán người ra vào; đồng thời tăng cường lực lượng kiểm soát của địa phương, phối hợp với lò mổ để thực hiện kiểm soát ra vào (lập chốt kiểm soát ngay tại lò mổ). Ngoài ra, phải thường xuyên thực hiện xét nghiệm, đặc biệt là biện pháp test nhanh tại đây.

Liên quan đến hoạt động tại các chợ, ông Triết cho rằng, việc ra vào chợ và khu vực xung quanh các chợ còn rất lộn xộn, rất đông, nhất là đầu giờ buổi sáng, giờ cao điểm. Trong khi đó, việc kiểm soát lại chưa thực sự nghiêm ngặt, vì vậy nếu có 1 ca nhiễm lọt vào đây thì sẽ rất phức tạp. Thế nên, ông Triết lưu ý các địa phương phải kiểm soát việc ra vào chợ (bằng thẻ, đo thân nhiệt, khử khuẩn) và đặc biệt khu vực xung quanh chợ, phải tăng cường xử phạt hành vi vi phạm để lập lại trật tự khu vực này, tránh tình trạng chợ cóc, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhìn nhận, hiện tại nguy cơ dịch bệnh tại các chợ là hiện hữu và có nguy cao nhất, vì vậy thống nhất không chỉ xét nghiệm cho các tiểu thương buôn bán thịt cá (đã hoàn thành) mà phải xét nghiệm cho toàn bộ tiểu thương, nhân viên bảo vệ, quản lý trong chợ và người dân khu vực xung quanh để có cơ sở đánh giá. Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tại các chợ, tránh tình trạng lơ là, hời hợt.

Thành phố Đà Nẵng sẽ xét nghiệm cho toàn bộ tiểu thương, nhân viên, bảo vệ tại các chợ và người dân khu vực xung quanh sau khi ghi nhận một số ca mắc mới COVID-19 có liên quan đến các chợ trên địa bàn.

Liên quan đến hoạt động tại cảng cá Thọ Quang, ông Chinh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch cụ thể, có phương án để khi cảng cá hoạt động trở lại đảm bảo an toàn. “Nếu hoạt động như thời gian qua thì rất có khả năng dịch bệnh quay trở lại, và cảng cá lại tiếp tục dừng hoạt động”, ông Chinh nói. Đồng thời đề nghị phải xem xét số lượng tiểu thương tại các chợ để giảm thiểu người khi đến cảng cá Thọ Quang lấy hàng (mỗi ngày chỉ khoảng 30% tiểu thương), còn tại cảng cá thì chia ra thành nhiều khu vực để tiểu thương dễ tiếp cận nguồn hàng, để lỡ xảy ra dịch bệnh thì cũng dễ khoanh vùng, kiểm soát. “Tuyệt đối không để những người mua bán lẻ hoặc nhu cầu cá nhân vào cảng cá mua bán, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các tiểu thương vào chợ theo tỷ lệ 1/3 trong vòng 15 đến 20 ngày sau khi cảng cá được hoạt động trở lại”, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo.

Đối với lò mổ Đà Sơn, ông Chinh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban an toàn vệ sinh thực phẩm và quận Liên Chiểu triển khai phương án hoạt động, tinh thần là hạn chế tối đa lượng người tập trung cùng 1 lúc, tại cùng một thời điểm tại lò mổ. Có thể yêu cầu đơn vị quản lý lò mổ chuyển thực phẩm đã giết mổ đến các chợ tương tự như tại cảng cá Thọ Quang.

Liên quan đến các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai các chỉ đạo mà thành phố đã đề ra. Trong đó nhấn mạnh đến việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng; kịp thời phát hiện và giám sát chặt chẽ người trở về từ vùng dịch, các khu cách ly... Thống nhất sẽ sử dụng phương tiện trung chuyển người của các địa phương từ vùng dịch về qua địa bàn thành phố qua hầm Hải Vân, tránh để họ di chuyển bằng đèo vì có nhiều nguy cơ mất an toàn.

DOÃN HÙNG