Báo động tình trạng "chảy máu" nhà cổ Hội An
Trao đổi với Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An xác nhận có thực trạng trên xảy ra. Tuy nhiên, những ngôi nhà đó thuộc sự quản lý của tư nhân, dù biết việc chuyển nhượng cho người khác sẽ bị ảnh hưởng, song chính quyền không thể can thiệp được. "Việc người dân sở hữu nhà rồi bán cho người khác mình không thể can thiệp được, chỉ có thể vận động họ. Thường những trường hợp bán nhà đó là gia đình họ đông con, nhiều thế hệ, họ bán để có nguồn kinh phí chia cho con cái; thứ hai nữa là giá trị nhà ở đây rất cao, họ bán xong ra vùng ven mua đất làm nhà và còn dư giả có thể làm ăn, buôn bán"- ông Ánh nói và thông tin thêm, không biết những người từ phía Bắc vào mua nhà có "rửa tiền" hay không, bởi người bán hô giá bao nhiêu họ đều mua, không cần trả giá.
Lãnh đạo TP Hội An cũng cho rằng, việc nhà phố cổ bị chuyển nhượng cho người ngoài địa phương cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, trùng tu. "Họ mua xong thường đem cho thuê lại, nên mỗi lần địa phương hội họp mình muốn gặp chủ nhà rất khó khăn, vì họ không sống ở đây. Đặc biệt, vừa rồi cũng có mấy trường hợp nhà cháy do không có người ngủ lại đêm bởi chủ ở nơi khác. Sắp đến thành phố sẽ mời những người nơi khác đã mua nhà phố cổ cho thuê kinh doanh yêu cầu phải bố trí người ở ban đêm để trực. Những hộ không có người ngủ lại thành phố sẽ không cho kinh doanh", đại diện lãnh đạo TP Hội An nói.
Việc chuyển hóa chức năng của các di tích sang phục vụ kinh doanh, nhất là với các căn nhà cho thuê hoặc chuyển nhượng cho người từ nơi khác dẫn đến di sản bị khai thác quá tải. Năm 2018, qua thống kê có đến 114 di tích nhà cổ tại Hội An đã được chuyển nhượng, mua bán. Theo lãnh đạo TP Hội An, việc cho thuê, chuyển nhượng các ngôi nhà trong phố cổ thuộc quyền dân sự, địa phương thể can thiệp. Cách duy nhất hiện nay là Nhà nước mua lại những ngôi nhà đó, nhưng điều này khó khả thi vì số tiền quá lớn, có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Bởi những ngôi nhà cổ nơi đây ngoài giá trị về kiến trúc thì giá trị để kinh doanh, buôn bán lợi nhuận đem lại rất cao. Điển hình như một ngôi nhà mặt tiền đường Trần Phú - TP Hội An giá cho thuê mỗi tháng lên đến 260 triệu. "Trước kia nhà ở Hội An chủ yếu được sử dụng vào mục đích để ở. Ngày nay, ngoài nhu cầu sinh hoạt, nhà cổ Hội An còn được chủ sở hữu khai thác để phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán. Do công năng sử dụng nhà cổ Hội An trong cuộc sống hiện đại thay đổi nên không gian truyền thống nhà cổ thay đổi từng ngày, không còn hồn cốt cổ kính đặc trưng như xưa"- đại diện lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An thông tin thêm.
Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong số hơn 100 ngôi nhà được khảo sát về công năng sử dụng, hầu hết những ngôi nhà này đã ít nhiều làm mất không gian truyền thống của ngôi nhà vốn giữ vai trò quan trọng làm nên giá trị đặc sắc của nhà cổ Hội An như: Không gian sân trời, không gian giữa các phòng trong một ngôi nhà, không gian bếp, sân vườn, không gian mặt tiền nhiều ngôi nhà cổ bị thu hẹp lại để mở rộng diện tích quầy kinh doanh buôn bán. "Để bảo tồn không gian phố cổ, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá công năng sử dụng của nhà cổ, nhất là những ngôi nhà tiêu biểu như nhà số 101 đường Nguyễn Thái Học, nhà số 77, nhà số 129 Trần Phú, nhà số 4 Nguyễn Thị Minh Khai… nhằm có giải pháp phù hợp trong quá trình vừa sử dụng làm nhà ở, vừa sử dụng vào mục đích kinh doanh, vừa bảo tồn không gian cổ xưa của Di sản Hội An được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới", đại diện lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết.
Hội An có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ. Trong số di tích được kiểm kê, phân loại, khu phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà ở tư nhân và các công trình kiến trúc tôn giáo. Đây là bảo tàng sống, bảo tàng về lịch sử, kiến trúc, dân cư đô thị, thành phố của di sản, điểm đến an toàn và thân thiện trong lòng bạn bè khắp nơi trên thế giới. Song việc quản lý, sử dụng cần có chiến lược lâu dài, nếu thực trạng "chảy máu" nhà cổ vẫn tiếp diễn thì "hồn cốt" Hội An sẽ không còn.
LÊ HẢI