Bao giờ bất động sản du lịch Đà Nẵng hết "ngủ đông"

Thứ tư, 10/11/2021 15:35

Du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng được xác định là một trong năm mũi nhọn phát triển Đà Nẵng giai đoạn tới theo Nghị quyết 43. Những năm qua, BĐS du lịch cũng là trọng tâm của thị trường Đà Nẵng, tuy vậy dưới tác động của đại dịch, cùng nhiều vướng mắc pháp lý hiện vẫn đang trong tình trạng "ngủ đông". Giải pháp nào để đánh thức lĩnh vực kinh tế tiềm năng này phục vụ phát triển TP?

Không có dự án được mở bán, thị trường Codotel Đà Nẵng gần như "ngủ đông" 2 năm qua.  

Vẫn "ngủ đông"

Hiện nay Đà Nẵng thuộc nhóm 20 thị trường hàng đầu thế giới về BĐS hàng hiệu, xuất hiện tại các khu nghỉ dưỡng và biệt thự biển. Không tính các dự án đã triển khai, hoạt động, hiện TP có 11 khu du lịch nghỉ dưỡng đang đầu tư xây dựng, với khoảng 18.000 căn hộ condotel. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho biết, trong 5 năm qua, cùng với đất nền thì BĐS nghỉ dưỡng là sản phẩm chủ đạo của Đà Nẵng. Trong đó về codotel năm 2020 ghi nhận 172 căn hộ mở bán với mức tiêu thụ 151 căn thì từ đầu năm 2021 tới nay không ghi nhận dự án mở bán. Với biệt thự biển thì năm 2019 mở và bán hết 44 căn, còn từ đó đến nay không ghi nhận mở bán. Việc BĐS du lịch Đà Nẵng "ngủ đông" trong thời gian dài từ đó đến nay ngoài lý do đại dịch Covid-19 xuất hiện, còn do cú sốc về vỡ cam kết lợi nhuận của siêu dự án Cocobay năm 2019.

GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia hàng đầu về BĐS phân tích, khi siêu dự án Cocobay với hầu hết BĐS thuộc phân khúc du lịch- nghỉ dưỡng bị "đứt gánh" do nhà đầu tư dự án không trả được lãi suất theo cam kết đối với các nhà đầu tư thứ cấp, từ đó vấn đề khung pháp lý cho phân khúc BĐS này được đặt ra, xem xét. Đầu năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chính thức xác định BĐS sản du lịch - nghỉ dưỡng không được quyền sử dụng đất dài hạn như đất ở mà chỉ được sử dụng đất có thời hạn 50 - 70 năm như các loại BĐS sản xuất - kinh doanh khác. Từ đây, nhiều nhà đầu tư thứ cấp ra đi, không quan tâm tới phân khúc này nữa, dẫn tới việc đầu tư vào phân khúc này suy giảm. Chưa dừng lại, đúng thời điểm đó, đại dịch Covid-19 bùng lên, kéo dài khiến ngành du lịch điêu đứng. Tại Đà Nẵng, có tới 98% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động. Nhà hàng đóng cửa, khách sạn, biệt thự biển rao bán khắp nơi dẫn tới BĐS du lịch "đóng băng".

Hậu Covid-19, BĐS du lịch Đà Nẵng sẽ trở lại mạnh mẽ.

Sớm trở lại mạnh mẽ

Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng giám đốc khối Sun Property Group cho rằng, năm 2022 BĐS du lịch Đà Nẵng sẽ trở lại mạnh mẽ. Bởi lẽ, ngoài lợi thế sẵn có về địa thế, điều kiện tự nhiên thì chất lượng cuộc sống ở Đà Nẵng khá tốt, mức chi tiêu cao. Các tiêu chuẩn sống ở Đà Nẵng ngày càng nâng cao, thậm chí bắt kịp xu hướng sống xanh, điều này giúp TP có thể thu hút các chuyên gia nước ngoài đến sống. Đặc biệt, sau đại dịch, người dân có xu hướng muốn trú ẩn ở những nơi an toàn, cần không gian ở tiện nghị, chất lượng (có thể vừa ở, vừa làm việc do phải giãn cách xã hội).

Nhiều người đã chọn Đà Nẵng là ngôi nhà thứ 2 để nghỉ hưu. Điều này cho thấy triển vọng phục hồi, phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng rất lớn. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, có 2 tiêu chí giúp BĐS du lịch Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đó là Nghị quyết 43, định hướng phát triển du lịch chất lượng cao gắn với BĐS nghỉ dưỡng, và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng tới 2030 tầm nhìn 2045. Theo đồ án quy hoạch này, TP sẽ dành quỹ đất phát triển du lịch cũng như BĐS du lịch hơn 1.000 ha.

Nhiều nhà đầu tư cũng tin tưởng kỳ vọng vào sự phục hồi của BĐS du lịch Đà Nẵng nên thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư đang triển khai. Ông Vũ Đình Nguyên, Giám đốc Marketing Gotec Land, chủ đầu tư dự án căn hộ 5 sao Asiana với tòa tháp đôi cao 34 tầng ở cuối đường Nguyễn Tất Thành cho biết, tiềm năng, giá trị BĐS du lịch của Đà Nẵng còn rất lớn. Đặc biệt, khu vực Tây Bắc của Đà Nẵng đang là vùng phát triển sôi động, thu hút nhiều chuyên gia tới Khu Công nghệ cao, các dự án nghỉ dưỡng lớn cũng đang được triển khai, nhu cầu căn hộ cao cấp rất lớn.  Đó cũng là lý do mà Gotec Land quyết định đầu tư, đang đẩy nhanh tiến độ dự án.

Gỡ những nút thắt

 Để BĐS du lịch sớm trở lại mạnh mẽ như kỳ vọng, nhiều chuyên gia cho rằng phải tháo gỡ nhiều nút thắt đang vướng mắc. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện hoạt động đầu tư xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của 12 Luật và hàng trăm Nghị định, làm tăng chi phí, thời gian để dự án được đưa vào vận hành. Tuy vậy song lại thiếu các quy định pháp luật trong việc điều chỉnh các sản phẩm BĐS mới xuất hiện trên thị trường như biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà phố du lịch. Ông Hà cho rằng, việc cho người nước ngoài mua và sở hữu có thời hạn BĐS du lịch là giải pháp quan trọng để kích cầu du lịch, tạo điều kiện phát triển ngành BĐS du lịch lên tầm cao mới. Song song đó, cần cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án phát triển khu nhà ở, khu đô thị ngày sau khi dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng.

GS Đặng Hùng Võ lại cho rằng, việc cho phép BĐS du lịch được sử dụng đất dài hạn chính là hấp lực thu hút các nhà đầu tư thứ cấp quay lại. Ngoài ra, cần cho phép người cần đất được lựa chọn giữa hai hình thức mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất đối với mọi loại đất. Mua quyền tài sản đất đai lâu dài sẽ phải chịu thuế đất đai ở tỷ suất cao, thuê quyền sử dụng đất có thời hạn thì chỉ phải trả tiền thuê đất cho nhà nước. Đặc biệt, GS Võ cho rằng, cần mở rộng phạm vi cho phép xây dựng nhà ở, nhà nghỉ, nhà khách kiên cố trong khu vực đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp có khả năng tham gia kinh doanh du lịch. Khi các quy định này được rõ ràng thì cũng là giải pháp để đưa đất rừng, đất trang trại, đất nông nghiệp vào kinh doanh du lịch.

HẢI QUỲNH