Bắt 3 hacker “mũ đen” lừa đảo tiền tỷ
Ngày 18-1, Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng: Mai Xuân Phúc (1988, trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam), Phạm Thanh Tùng (1991, trú tỉnh Đắc Lắc) và Trần Hà Vỹ (1994, trú tỉnh Bình Định) để điều tra làm rõ hành vi “Sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. 5 năm qua, 3 hacker này đã dùng website giả mạo chiếm đoạt khoảng 1 tỷ đồng và hàng trăm ngàn tài khoản game...
Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng Phúc. |
Theo các trinh sát đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng CS Kinh tế), năm 2015, Phúc, Tùng và Vỹ quen biết nhau do thường ăn dầm nằm dề tại các tiệm Internet trên địa bàn Đà Nẵng. Do quá rành các hình thức lập website giả mạo lừa đảo trên mạng, nên Phúc chia sẻ kinh nghiệm cho Tùng và Vỹ tham gia để kiếm tiền tiêu xài. Thấy cách kiếm tiền dễ, cả hai đã bắt tay nhau, đồng ý hợp lực với Phúc để lừa người chơi game. Sau mỗi phi vụ thành công, Phúc chia cho Tùng, Vỹ mỗi người vài trăm ngàn đồng, có lần vài triệu đồng.
Để thực hiện hành vi, các đối tượng này lên mạng Internet đặt mua tên miền, thiết lập và quản trị các website có giao diện giống với website của Công ty Cổ phần Giải trí và Thể thao điện tử Việt Nam. Tiếp đến, chúng đưa ra thông báo cho những người chơi game rằng: “Khi nạp thẻ card điện thoại qua các website này sẽ nhận được khuyến mãi gấp 6 lần giá trị thẻ card vào điện thoại cá nhân, đồng thời nhận được các gói quà trong game online của hệ thống”. Do những người chơi game cả tin và hám lợi từ chương trình “khuyến mãi khủng” nên đã nạp thẻ qua các website do Phúc, Tùng và Vỹ tung chiêu. Sau khi người chơi nạp thẻ qua các website chúng lập ra, các đối tượng chiếm đoạt tài sản thẻ cào và các tài khoản game của garena. Để lôi kéo những người chơi game vào bẫy lừa, Phúc cho biết trong quá trình thực hiện lừa đảo, đã mua tên miền trên mạng và thiết lập rất nhiều website giả mạo của hệ thống game garena như: www.riot-codegarena.com, www.coderiots-garena.com... Tất cả các website Phúc và các đối tượng làm đều đăng ký email nhận thông tin tài khoản chiếm đoạt được có tên là: Phucplaza2012@gmail.com, Phucplaza2019@gmail.com.
Đối tượng Mai Xuân Phúc. |
Theo lời Phúc, thông thường mỗi website Phúc và các đối tượng bỏ tiền mua khoảng 500-700.000 đồng. Sau khi giao dịch mua website thành công, bước tiếp theo là mở các tài khoản trong trang website lừa đảo mình mua để nhận được số thẻ vào điện thoại do bị hại nạp vào. Khi người chơi game nạp mã số và mã seri thẻ cào điện thoại tại website lừa đảo thì giá trị thẻ sẽ tự động chuyển vào tài khoản Vippay với mức phí quy đổi khoảng 22% giá trị thẻ nạp, tùy thẻ thuộc mạng di động. Theo một điều tra viên, khoảng 22% là tài khoản Vippay được chiết khấu từ tổng số tiền thẻ cào Phúc cùng các đối tượng lừa, còn lại Phúc, Tùng và Vỹ hưởng. Riêng tài khoản ngân hàng đăng ký liên kết tích hợp với tài khoản Vippay để các đối tượng rút tiền ra là tài khoản ngân hàng TMCP Đông Á mang tên Mai Xuân Phúc, số TK 0110154421. Theo lời Phúc, mỗi website mua thành công được sử dụng trong thời gian khoảng 1 tháng. Khi hết thời hạn thì sẽ gia hạn, đóng thêm phí, hoặc phải mua website mới. Trong quá trình đấu tranh, bước đầu Phúc và các đối tượng có liên quan trong vụ án khai nhận đã lừa đảo chiếm đoạt được khoảng 1 tỷ đồng và hơn 400.000 tài khoản Game Garena của hàng ngàn bị hại trên cả nước.
Cơ quan CA dẫn giải đối tượng Phúc sau khi bắt giữ. |
Lãnh đạo Phòng CSKT cho biết, quá trình đấu tranh với đối tượng, các TS theo dõi vụ việc còn làm rõ chiêu trò dụ khách hàng. “Lúc khách hàng đăng nhập vào thì trên giao diện website có đăng thông báo khuyến mãi nhận các gói quà hấp dẫn. Do hám lợi, người chơi đăng nhập tài khoản của mình lập tức bị Phúc, Tùng và Vỹ chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản. Sau khi chiếm đoạt được các tài khoản game, chúng sử dụng chính các tài khoản này để gửi tin nhắn spam đến các tài khoản khác. Đồng thời người chơi cứ nạp thẻ cào điện thoại tại trang website này để hưởng khuyến mãi thì website sẽ tự động nạp vào các tài khoản điện tử của các đối tượng chiếm đoạt”, một trinh sát kể.
Phá thành công vụ án là thành tích lớn của CBCS Đội phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, bởi đây là vụ án lớn, liên quan đến nhiều bị hại. Số tiền chiếm đoạt và bị hại cũng chưa phải dừng lại tại đây do mới chỉ là lời khai ban đầu. Trong khi đó, hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thời gian qua đang nổi lên khá nhiều, gây bức xúc cho dư luận. Hy vọng bài viết sẽ là hồi chuông cảnh báo đến tất cả mọi người, nhất là những người thường xuyên tham gia vào các trò chơi game giải trí trên mạng.
CÔNG HẠNH