Bầu chọn những người “dám nghĩ, dám làm”
Lão nông Nguyễn Viết Thạnh (thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến) xác nhận, trưởng thôn ít ra cũng đại diện cho hàng trăm hộ gia đình, thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao phó và truyền đạt kế hoạch hoạt động của xã tới thôn, tổ dân cư. Hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu của trên giao, công việc ở thôn có trôi chảy, hoàn thành hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ thôn. Nếu cán bộ, công chức làm việc có quy định giờ giấc thì với trưởng thôn không hề có khái niệm đó. Việc bầu cử trưởng thôn cho thấy sự dân chủ, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Bởi, thông qua đợt bầu cử này, người dân có quyền chọn cho mình người đại biểu đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và có trách nhiệm với cộng đồng dân cư...
Nhắc lại để nhớ, nhiệm kỳ 2020-2022, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân có phần hoang mang, lo lắng; ngay lập tức, 113/113 trưởng thôn trên địa bàn H. Hòa Vang cùng với cấp ủy và các hội, đoàn thể cơ sở đã vận động bà con nhân dân trong thôn quyết tâm cùng tham gia phòng chống dịch bệnh và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền các cấp trong việc sớm đẩy lùi dịch bệnh. Hàng ngày, tổ COVID cộng đồng mỗi thôn chia làm 3 ca chốt trực tại chốt kiểm soát và “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện kiểm tra y tế và kê khai y tế nhân dân; đồng thời, “đi chợ hộ” mua thực phẩm thiết yếu giúp dân khi cả TP thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó”... Bà Đỗ Thị Tùng- Trưởng thôn Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn) chia sẻ: “Bên cạnh đó, các tổ COVID cộng đồng còn vận động, quyên góp lương thực, thực phẩm giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, rà soát các đối tượng khó khăn đề nghị chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội”.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, để đảm bảo việc tổ chức bầu cử trưởng thôn nhiệm kỳ 2022-2025 theo đúng tiến trình, đúng luật định, UBND xã phối hợp với Ủy ban MTTQVN xã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo và phân bổ các thành viên cùng các tổ bầu cử thôn để thực hiện công tác bầu cử đúng theo quy định của Nhà nước ban hành. Theo đó, trưởng thôn phải là người có hộ khẩu và cư trú thường xuyên ở thôn, có sức khỏe, đạo đức và có tinh thần trách nhiệm trong công tác, được nhân dân tín nhiệm; trưởng thôn phải gương mẫu, có năng lực và phương pháp vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện tốt các công việc của cộng đồng và cấp trên giao. Từ các quy định trên có thể thấy, chức danh trưởng thôn hiện nay được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Tuy quy mô không lớn, nhưng cuộc bầu cử chức danh trưởng thôn cũng thực hiện các quy trình bầu cử tương tự như bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp với nhiệm kỳ 5 năm/2 lần, cho nên không khí cũng như công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử này cũng hết sức chu đáo…
“Dám nghĩ, dám làm”, hết lòng vì sự nghiệp chung của thôn xóm, không nề hà ngại khó luôn là những phẩm chất tốt đẹp mà nông dân Hòa Vang luôn “chọn mặt, gửi vàng” cho đội ngũ trưởng thôn. Với chế độ trợ cấp trưởng thôn 2,344 triệu đồng cho thôn có trên 350 hộ dân; còn với thôn dưới 350 hộ dân thì 2,086 triệu đồng mỗi tháng hiện nay đối với họ cũng chẳng đủ thiếu vào đâu; còn công việc trong thôn thì họ chẳng thể nào thoái thác. Bởi vậy, có người đã làm trưởng thôn 8 nhiệm kỳ, hoặc hơn 15 năm ở xã Hòa Khương như các ông Trần Em (thôn Gò Hà), Phạm Thế Quý (thôn Hương Lam), Trần Văn Giáo (thôn Phú Sơn Nam); ở xã Hòa Nhơn như các ông Nguyễn Tường (thôn Trước Đông), Lê Đức Danh (thôn Phước Thái); ở xã Hòa Phú như các ông Võ Sơn (thôn Hòa Hải), Nguyễn Văn Bảo (thôn Đông Lâm)… nhưng đến nhiệm kỳ này vẫn được bà con trong thôn tiếp tục “tín nhiệm” đề cử.
VY HẬU