Bộ Công Thương thông tin về việc đảm bảo an toàn các thủy điện
Tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16-10, ông ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết thực hiện Nghị quyết 62/ 2013/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã cùng các tỉnh, địa phương rà soát hàng loạt dự án ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng nhiều đến xã hội và rừng. Kể từ năm 2016 đến nay, sau khi có Chỉ thị 13 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các chương trình Chính phủ, tất cả các dự án nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung quy hoạch. Vì vậy, theo ông Quân, tất cả các dự án bổ sung đều được kiểm tra rất kỹ các vấn đề liên quan đến rừng, đất.
Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. |
“Trước đây nếu như chiếm đất 4-5ha thì từ năm 2016 đến nay, không có dự án thủy điện nào chiếm rừng tự nhiên. Còn các dự án rừng trồng, các dự án thủy điện chỉ chiếm bình quân 2 ha/MW điện. Các nhà đầu tư, tỉnh địa phương sau khi có chỉ đạo đã nhận thức tốt để hạn chế tối đa diện tích đất rừng sử dụng. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các địa phương từ năm 2017 đến nay không có dự án điện nào dưới 30 MW được bổ sung quy hoạch”, ông Quân cho hay. Cũng theo ông Quân, đối với thủy điện Rào Trăng 3 trước đây chiếm một phần dự án rừng tự nhiên, sau đó đã chuyển các tấm chắn bằng hầm... Tuy nhiên, từ năm 2016, các dự án liên quan đất rừng tự nhiên đều phải báo cáo Chính phủ, được Chính phủ đồng ý mới triển khai.
Đối với vấn đề cảnh báo các dự án thủy điện, trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có cảnh báo là các dự án thủy điện sẽ có tác động như bồi lắng, cản trở dòng chảy thì phải xem xét trước khi quy hoạch. Riêng ở Huế có rủi ro lớn về chất đất. Bên cạnh đó, ở đây có lượng mưa lớn nhất cả nước. Đơn cử chỉ trong gần 1 tuần từ ngày 6 đến 12-10, Huế đã có mưa lớn, bình quân từ 1.500 - 2.000mm. Nhiều nơi khác lượng mưa còn lớn hơn như A Lưới 2.200mm; Bạch Mã 2.600mm, cùng các rủi ro về chất đất nên đã gây ra tai nạn nghiêm trọng về rừng.
“Thời gian vừa qua, khi xảy ra sự cố, Bộ Công Thương đã kịp thời cử cán bộ trực tiếp vào hiện trường, nhanh chóng báo cáo các thông tin dự án, thông tin hiện trường từ dự án với Bộ Công Thương, báo cáo Chính phủ để có sự chỉ đạo điều hành và xử lý kịp thời, nhanh nhất”, ông Đỗ Đức Quân chia sẻ.
T.T