Các điểm du lịch được hoạt động trở lại từ ngày 30-4
Chiều 29-4, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp nhằm điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, khôi phục các hoạt động kinh tế -xã hội, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh.
Nhiều hoạt động tiếp tục tạm dừng
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo tạm dừng các hoạt động cho đến khi có thông báo mới, gồm: lễ hội, nghi lễ tôn giáo tập trung trên 50 người, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; các hội diễn, hội thi và các giải văn nghệ; khu vui chơi, giải trí trong nhà, rạp chiếu phim, trò chơi điện tử, trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, casino, cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cẳt tóc, làm móng), karaoke, spa, mát-xa, quán bar, pub, vũ trường (kể cả trong các khách sạn, cơ sở lưu trú).
Các hoạt động được phép hoạt động kể từ ngày 30-4-2020 hoặc hoạt động hạn chế nhưng phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch gồm: các cơ sở huấn luyện thể thao chuyên nghiệp, tập luyện thể thao; cơ sở kinh doanh khu, điểm du lịch, khu di tích, danh lam thắng cảnh (trừ các hoạt động trong nhà); hoạt động xe điện bốn bánh và hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa; hoạt động vận tải cố định liên tỉnh được hoạt động 100% số chuyến xe trong biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt đối với các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp và không quá 50% đối với các địa phương trong nhóm nguy cơ (yêu cầu tất cả người trên xe phải đeo khẩu trang trong suốt hành trình, rửa tay sát khuẩn trước khi lên xuống xe); đám cưới, đám hiếu dưới 50 người. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở giáo dục hoàn thành việc tổng dọn vệ sinh trường, lớp, sát khuẩn bề mặt, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường như: nước uống, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng… theo quy định; bảo đảm các phương án bảo vệ sức khỏe cho người dạy và người học theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước khi đi học trở lại, các phương án thực hiện hiệu quả công tác giáo dục phù hợp giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan chủ động thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành hoặc phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra và giám sát hỗ trợ đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn.. .), cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng, khu chung cư, hộ gia đình về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, từ đó có biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Chỉ đón khoảng 5.800 lượt khách trong kỳ nghỉ lễ
Chiều 29-4, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong kỳ nghỉ lễ năm nay thành phố vẫn ưu tiên tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid19, cạnh đó là tâm lý cẩn trọng cần thiết của người dân, nên hệ thống khách sạn đón rất ít khách, dù các khu điểm du lịch được phép hoạt động hoặc hoạt động hạn chế kể từ ngày 30-4. Theo dự báo, trong 4 ngày nghỉ lễ và nghỉ cuối tuần tổng lượng khách tham quan, du lịch tại thành phố ước đạt 5.800 lượt, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 650 lượt (khách lưu trú lại từ trước 28-3), giảm 99,5%, khách nội địa ước đạt 5.150 lượt, giảm 98% .
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, sau cuộc họp chiều 29-4, thành phố đã có chủ trương cho phép các cơ sở kinh doanh khu, điểm du lịch, khu di tích, danh lam thắng cảnh (trừ các hoạt động trong nhà) hoạt động hoặc hoạt động hạn chế nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Sở đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở, đeo khẩu trang và bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc. Bà Hạnh cũng cho hay, ngay sau khi kiểm soát được dịch, thành phố sẽ triển khai công tác truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, chủ yếu tập trung vào khách du lịch nội địa. Sở cũng có các giải pháp tập trung truyền thông thị trường nội địa đặc biệt là 2 đầu là thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như các điểm có đường bay với Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Đức Vũ – Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong khi các điểm du lịch chưa mở cửa thì dự báo lượng khách đổ về các bãi biển sẽ tăng nhiều so với những ngày qua. Chính vì vậy, ngoài việc bố trí lại các địa điểm tập trung đông người như bãi giữ xe, bãi tắm nước ngọt, đội cứu hộ và các bộ phận khác của Ban sẽ trực tiếp xuống hiện trường để tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở để người dân tuân thủ các quy định về giãn cách. “Tất nhiên khi họ xuống tắm rồi thì hầu hết là phụ thuộc vào ý thức thôi. Nhưng ở trên bãi cát thì phải tuân thủ quy định. Còn bãi giữ xe thì chúng tôi đã kẻ vạch sẵn, vòi tắm nước ngọt sẽ được bố trí thưa ra, hoạt động 50% số lượng. Trong điều kiện người dân và du khách tăng đột biến thì sẽ nhờ các lực lượng khác của chính quyền hỗ trợ để bà con vui chơi dịp lễ nhưng tuân thủ quy định chống dịch”, ông Vũ cho hay.
CÔNG KHANH
Ga Đà Nẵng ùn ứ vì khai báo y tế
Chiều 29-4, tại Ga Đà Nẵng xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ ở khu vực khai báo y tế, làm thủ tục do lượng khách về quê hoặc di chuyển trong kỳ nghỉ lễ chưa nắm bắt được thông tin của ngành vận tải đường sắt. Trong thời điểm đầu giờ chiều, có 3 chuyến tàu nhưng nhà ga chỉ có một cửa soát vé nên khách ùn ứ, giải quyết thủ tục không kịp. Anh Nguyễn Thanh Hiếu, hành khách từ Đà Nẵng đi Nghệ An cho biết: “Đa phần người mua vé không biết làm khai báo y tế tại nhà nên lên ga mới làm dẫn đến căng thẳng trong một thời gian nhất định. Bản thân tôi mua vé điện tử nhưng cũng không biết thông tin tải app để khai báo, ra đây mới thực hiện”, anh Hiếu cho biết. |