Các dự án hạ tầng công nghiệp Đà Nẵng chuyển động thế nào?
Nhiều khu, cụm công nghiệp mới đang được Đà Nẵng đẩy nhanh thủ tục để triển khai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư.
Dự án KCN Hòa Ninh có diện tích 400 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.083 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng hơn 2.578 tỷ đồng). Đây là dự án KCN lớn nhất trong số 3 KCN mới Đà Nẵng đang hoàn tất thủ tục để đầu tư. KCN Hòa Ninh sau khi được HĐND TP thông qua nghị quyết chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đã được thành phố báo cáo Thủ tướng cho phép rút hồ sơ, kèm theo tờ trình để rà soát, chỉnh sửa và cập nhật lại toàn bộ hồ sơ dự án. Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (BQL) đã đề xuất thành phố xem xét lựa chọn thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư KCN Hòa Ninh không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Với KCN Hòa Nhơn hiện đang triển khai quy hoạch phân khu KCN Hoà Nhơn, theo quy mô mới sau điều chỉnh là khoảng 237 ha, trong tổng thể quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh. Sau khi Đồ án Quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh được duyệt mới có cơ sở triển khai tiếp các thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng theo qui định. KCN Hòa Nhơn dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng.
Riêng dự án KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 có tổng diện tích hơn 120 ha, tổng vốn dự kiến 2.200 tỷ đồng hiện đang lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. BQL đã trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN này theo hình thức tổ chức đấu thầu rộng rãi. BQL cũng đã ban hành quyết định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn Gói thầu Tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với Công ty DaviLaw. Tiếp đó, BQL đã chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ mời thầu và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, lấy ý kiến các sở ngành; có công văn gửi Cục Quản lý đấu thầu (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến đối với hồ sơ mời thầu dự án. Trong tháng 4-2024 vừa qua, BQL đã trình UBND TP về phê duyệt phương án và bảng theo dõi tiến độ thực hiện tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2.
Ngoài 3 KCN có tổng diện tích hơn 750 ha, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh giải phóng mặt bằng đầu tư các cụm công nghiệp (CCN) mới như Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Khánh Nam. CCN Hòa Nhơn có tổng mức đầu tư hơn 46,9 tỷ đồng, với 276 hồ sơ đất nông nghiệp và 20 hồ sơ đất ở cần giải tỏa. Thành phố đã ban hành bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Hòa Nhơn và huyện Hòa Vang đã thông báo mời nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ lựa chọn. Kết quả đã có 2 nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Hòa Nhơn gồm Công ty cổ phần Long Hậu, Liên danh nhà đầu tư Hoàng Long Quốc - Hòa Bình. Với CCN Hòa Liên, hiện HĐND TP đã ban hành nghị quyết về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để chuyển đổi, hình thành CCN Hòa Liên.Trên cơ sở này, các cơ quan liên quan đang tham mưu UBND TP Đà Nẵng thủ tục thành lập CCN Hòa Liên và triển khai thực hiện thủ tục đưa CCN Hòa Liên đi vào vận hành, khai thác. Với CCN Hòa Khánh Nam hiện đang thực hiện đền bù giải tỏa, theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2024.
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 1 khu CNC và 7 KCN, thu hút tổng cộng 532 dự án đầu tư, trong đó 399 dự án đầu tư trong nước tổng vốn hơn 34,4 ngàn tỷ đồng, 124 dự án FDI tổng vốn hơn 2 tỷ USD. Nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất lớn, do đó việc đầu tư, xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp trở lên bức thiết, tạo cơ sở để thu hút đầu tư, nhất là dự án công nghiệp công nghệ cao.
HẢI QUỲNH