Cảm nghĩ về Phật giáo Huế
Ai từng đến Huế thì nên một lần đến với chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa này được coi là cổ nhất ở Huế, gắn liền với huyền thoại chọn đất đóng đô của chúa Nguyễn Hoàng, người mở ra thời đại 9 chúa 13 vua nhà Nguyễn. Chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của đất thần kinh), ngày nay được xem là biểu tượng tâm linh và du lịch của người dân Cố đô Huế…
Bên cạnh đó, du khách đến với phố cổ Gia Hội nên ghé thăm chùa Diệu Đế - một trong những ngôi Quốc tự ở Huế. Tương truyền, vùng đất xây chùa Diệu Đế là nơi vua Thiệu Trị ra đời và sinh sống ở trước khi lên ngôi. Vua Thiệu Trị mong muốn chùa Diệu Đế sẽ là địa điểm: “Vua quan ngày ngày chiêm ngưỡng, càng tăng thêm màu sắc tươi thắm của chốn phồn hoa; xe qua thuyền ghé tấp nập, chen nhau như gấm dệt; mục đích vẫn thức tỉnh những tâm hồn hiếu lợi mê hoặc, vẫn lấy điều thiện làm căn bản”.
Nếu thích sự trải nghiệm độc đáo, chùa Từ Hiếu là một lựa chọn khó thay thế. Chùa Từ Hiếu được xây dựng vào năm 1843, gắn với câu chuyện cảm động về lòng hiếu đạo của Thiền sư Nhất Định với mẹ già. Chuyện đến tai Tự Đức, cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của sư Nhất Định nên đặt tên là Từ Hiếu Tự. Năm 1848, chùa được các vị quan lại và các vị thái giám nhà Nguyễn đóng góp trùng tu tôn tạo quy mô hơn để lo việc thờ tự sau này. Do đó chùa còn có tên là chùa Thái giám. Chùa được coi là nơi có nghĩa trang thái giám “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam hiện nay.
Nếu là một tín đồ của Phật giáo, du khách khó lòng bỏ qua những ngôi chùa ở Huế mang tính “khuôn mẫu” của cả nước. Bởi ở Huế có chùa Từ Đàm – được xây dựng năm 1690, đời chúa Nguyễn Phúc Thái, là Trung tâm Phật học lớn của cả nước. Hàng trăm Niệm Phật đường và các khuôn hội thành lập sau này đều lấy bài trí cấu trúc và cách thờ tự của chùa Từ Đàm làm khuôn mẫu. Bên cạnh đó, chùa Báo Quốc – được xây dựng từ thế kỷ XVII thời chúa Nguyễn Phúc Khoát lại là trung tâm đào tạo tăng tài cho Phật giáo cả nước. Chùa trở thành nơi đầu tiên thành lập Trường sơ đẳng Phật học (1935) và Trường cao đẳng Phật học (1940) của cả nước.
Nhiều ngôi chùa Huế cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục. Đó là, chùa Thánh Duyên xác lập hai kỷ lục: Ngôi chùa có pho tượng Thập bát la hán bằng đồng xưa và lớn nhất, Ngôi chùa có bộ tượng Thập bát La Hán bằng tre thếp vàng xưa nhất; chùa Thiên Mụ xác lập hai kỷ lục: Ngôi chùa có tấm bia thời Lê Trung Hưng lớn nhất Việt Nam, Tháp bát giác cổ cao nhất Việt Nam; chùa Hà Trung sở hữu hai kỷ lục: Ngôi chùa có tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam...
Bên cạnh đó, Phật giáo Liễu Quán là nét điển hình của cái riêng Phật giáo Huế. Liễu Quán là dòng phái thiền của người Việt Nam do chính người Việt Nam làm Sơ tổ nhờ sự gạn đục khơi trong, hòa quyện chắt lọc những tinh hoa của 2 dòng Tào Động, Lâm Tế của người Trung Quốc với thuần phong mỹ tục của dân tộc trên tinh thần: Giáo lý chỉ như đò đưa khách qua sông. Do đó, những người dân Huế đến lễ chùa để tìm cho tâm hồn mình sự bình yên thanh thản, trong sáng, chứ không đến chùa cầu tài, cầu lộc.
Vào mùa Phật Đản, các ngôi chùa ở Huế trông như chốn bồng lai tiên cảnh. Du khách sẽ bắt gặp vẻ đẹp của hoa sen nở tại các hồ ở chốn chùa chiền. Theo Phật giáo thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Và với người Huế, chiếc lồng đèn hoa sen luôn là một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của mùa Phật Đản. Người Huế tin rằng, ánh sáng từ lồng đèn hoa sen tượng trưng cho ánh sáng giác ngộ mà Đức Phật tìm thấy. Bởi thế, vào mùa Phật Đản ở Huế du khách sẽ thấy trên đường phố và các cửa chùa rực rỡ sắc màu lồng đèn hoa sen. Bên cạnh hoa sen, lá cờ Phật giáo cũng là một biểu tượng không thể thiếu vào mùa Phật Đản ở Huế. Màu của lá cờ Phật giáo có ý nghĩa thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của Phật giáo năm châu với chủ trương hòa bình, từ bi, bình đẳng, lục hòa.
Ngoài ra, có ít nhất 30 - 50 món chay ở Huế. Loanh quanh thăm Huế vào những ngày Phật Đản hay những ngày chay giới (rằm, mồng một), du khách sẽ có dịp thưởng thức những món ăn chay thanh tịnh nhưng không kém phần ngon miệng này. Quả không sai khi ai đó đã từng nói rằng: “Ở Huế núi không cao, sông không sâu nhưng lòng người thì trầm luân, tĩnh lặng bởi họ biết cách tu, biết ăn chay cho tâm hồn thanh tịnh”.
Chính vì những nét “rất riêng” và nổi bật của mình, Phật giáo Huế có tiếng nói và sự đại diện mạnh mẽ trong giới tăng ni, phật tử cả nước. Đặc biệt, ngôi chùa Từ Đàm là trung tâm của các hoạt động đấu tranh của các tăng ni, phật tử chống các chế độ độc tài, tay sai của Mỹ tại miền Nam vào những năm 60 thế kỷ XX, để lại dấu ấn lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 – 1975).
Hiện nay, Huế vẫn giữ được vị thế là một trung tâm Phật giáo của cả nước. Theo một thống kê công bố vào năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có trên 60 vạn tín đồ Phật giáo, chiếm 54,45% dân số và khoảng 1.500 tăng, ni; trong đó 946 chức sắc, 1.156 chức việc; có 1 Học viện Phật giáo, 1 Trường Trung cấp Phật học, 1 Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán; 1 Trung tâm Du lịch tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm, 545 chùa, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường, 241 gia đình Phật tử với 17.733 đoàn sinh, 1.992 huynh trưởng.
Nguyễn Văn Toàn