Cán cân Tòa án Tối cao Mỹ và cục diện gây tranh cãi

Thứ năm, 29/10/2020 13:14

Sáng 27-10 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu xác nhận đề cử của Tổng thống Donald Trump đối với bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao, thay cho cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Đây được cho là một chiến thắng mang tính bước ngoặt nhưng cũng gây tranh cãi cho Tổng thống Trump trước thềm bầu cử.

Được Thượng viện Mỹ thông qua với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống (Thượng nghị sĩ Susan Collins của đảng Cộng hòa cũng bỏ phiếu chống), nữ thẩm phán tòa phúc thẩm Amy Coney Barrett trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 115 và là người phụ nữ thứ 5 phục vụ tại cơ quan này trong lịch sử của Mỹ. Với việc thông qua trên, bà  Barrett cùng với  2 thẩm phán bảo thủ khác đã được ông Trump đề cử trước đây là ông Neil Gorsuch (53 tuổi) và ông Brett Kavanaugh (55 tuổi) sẽ đại diện cho 1/3 số thẩm phán của tòa án tối cao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh khi bà Amy Coney Barrett  (phải) chính thức trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao. Ảnh: AP

“Một ngày trọng đại với nước Mỹ”

Tòa án tối cao Mỹ là nơi đưa ra các quyết định quan trọng  ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ gồm vấn đề phá thai, chăm  sóc sức khỏe, quyền sở hữu súng. Chính vì vậy, trong những ngày qua, song hành cùng diễn biến của tiến trình bầu cử Mỹ năm 2020, sự kiện này cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận.

Tổng thống Trump ca ngợi việc bổ nhiệm bà Barrett: “Đây là một ngày trọng đại đối với nước Mỹ, với Hiến pháp của Mỹ và đối với sự công bằng, bình đẳng của luật pháp”. Tuyên bố được đưa ra trong buổi lễ với sự tham gia của nhiều nghị sĩ và quan chức cấp cao tại Nhà Trắng. Đáp lại, bà Barrett nói: “Tôi thực sự vinh dự khi đứng đây đêm nay”. Việc Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát thực hiện các bước đi nhằm thông qua đề cử đối với bà Barrett là một trong những tâm điểm chú ý của dư luận những ngày qua. Đây được coi là sự kiện đánh dấu việc hình thành một trong những yếu tố trọng yếu có thể quyết định đến kết quả bầu cử Mỹ năm 2020 nói riêng cũng như việc hoạch định chính sách của chính quyền Mỹ hậu bầu cử nói chung.

Đây được xem là một chiến thắng cho Tổng thống Trump trước thềm cuộc bầu cử ngày 3-11. Đảng Cộng hòa hy vọng việc bà Barrett được phê chuẩn trước thềm cuộc bầu cử không chỉ tạo thêm lợi thế cho cánh bảo thủ trong hệ thống tòa án liên bang, mà còn tạo ra đà thúc đẩy cần thiết cho nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Trump.

Phe Dân chủ phản đối

Việc bổ nhiệm bà Barrett vào vị trí trên trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Dân chủ do đảng này lo ngại việc bổ nhiệm trên sẽ khiến cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao Mỹ nghiêng sang phe bảo thủ nhiều hơn với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do.

Nhiều nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ đã chỉ trích mạnh mẽ. Trên mạng xã hội Twitter, Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris - liên danh tranh cử của ông Joe Biden, nhấn mạnh rằng đảng Cộng hòa “đã bác bỏ nguyện vọng của người dân Mỹ” khi xác nhận đề cử đối với bà Barrett. Ứng cử viên tranh cử phó tổng thống Mỹ cũng cho rằng việc tiếp cận đối với chăm sóc sức khỏe, các quyền lợi về bỏ phiếu, quyền của người đồng tính, quyền nạo phá thai an toàn và hợp pháp sẽ phải đối mặt với rủi ro. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã chỉ trích các thành viên của đảng Cộng hòa ở Thượng viện về quyết định phê chuẩn bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.

Trước đó, ứng viên Biden yêu cầu đảng Cộng hòa trì hoãn việc bổ nhiệm này cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11. Đáp lại, các lãnh đạo đảng Cộng hòa cho rằng, nếu kết quả cuộc bầu cử ngày 3-11 phải chuyển lên Tòa án Tối cao để định đoạt thì họ cần có đủ 9 vị thẩm phán để ngăn chặn tình trạng bế tắc.  Các lãnh đạo đảng Dân chủ từng tuyên bố sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn việc phê chuẩn trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên, khi đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế (53-47) tại Thượng viện thì đảng Dân chủ không thể làm được điều này.

AN BÌNH