Cần có chính sách thu hút thí sinh theo học các ngành Khoa học cơ bản
Đặc biệt, trong 3 năm liền (2020 - 2022), bốn lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và Thủy sản; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể: Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 49,1%; Khoa học sự sống 57,92%; Khoa học tự nhiên 59,43% và Dịch vụ xã hội 61,36%.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn thì việc tỷ lệ nhập học chênh lệch giữa các ngành, lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn, thí sinh lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, có những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học quan trọng. Nguyên nhân có thể do việc học tập các lĩnh vực này rất khó, cần nhiều trang thiết bị hơn hoặc công tác truyền thông chưa làm tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn theo học.
Ngoài việc, cần quan tâm ngành nghề gì thực sự đang có nhu cầu lớn, khảo sát để nắm bắt số liệu, xây dựng chính sách đào tạo và tuyển sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị, các trường đại học, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh để các em hiểu rõ về các ngành đang rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Cơ quan Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ cho các ngành quan trọng như: Toán học, Khoa học cơ bản, Kỹ thuật công nghệ để giảm bớt khó khăn cho sinh viên nhập học vào trường. Từ đó, tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hiện nay, Chính phủ đã có một số chương trình hỗ trợ phát triển Khoa học cơ bản trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Toán học, nhưng hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo thì chưa nhiều. Bộ GD-ĐT đang được Chính phủ giao xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Trong đề án này, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường với doanh nghiệp về đào tạo nghiên cứu, hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề này với học sinh; đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng như phòng thí nghiệm, thực hành; đặc biệt là hỗ trợ đào tạo sau đại học. Bản thân các trường đại học phải rất nỗ lực, với nhiều giải pháp khác nhau để thu hút thí sinh vào học các ngành Khoa học cơ bản.
P.V