Cần đầu tư phương tiện chữa cháy trên khu vực tuyến thủy nội địa
Đà Nẵng có Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là nơi tập trung neo đậu tàu thuyền lớn nhất miền Trung. Cao điểm có đến khoảng 1.500 tàu, thuyền, vượt gấp 3 lần công suất thiết kế vào neo đậu tại Âu thuyền nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC và CNCH. Ngoài ra, các thuyền cá nhỏ được neo đậu rải rác dọc sông Hàn, bến thuyền tại Ngũ Hành Sơn; cùng với đó là đội tàu du lịch trên sông hơn 20 chiếc nên công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH cần được quan tâm.
Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Đà Nẵng, ngoài công tác quản lý PCCC đối với các cơ sở ven sông, các cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC; Đội còn có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện chức năng chữa cháy và CNCH đối với các cơ sở ven sông và các cơ sở, các phương tiện trên các tuyến sông trên địa bàn thành phố và khu vực Vịnh Đà Nẵng, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng. Với nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn tuy nhiên hiện nay phương tiện chữa cháy trên sông của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chuyên nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Qua tìm hiểu, hiện nay Đội đang được biên chế 01 xuồng cao tốc DT04, 01 xuồng cao tốc DT03, 03 ca-nô và 05 máy bơm chữa cháy khiêng tay, 02 máy bơm nổi cũng một số phương tiện phục vụ chiến đấu khác. Dù phương tiện đã hạn chế so với yêu cầu nhưng vẫn thường hư hỏng. Hiện trạng đang có 01 ca-nô bị hỏng đang chờ kiểm định, 04 máy bơm các loại không hoạt động được. Phương tiện chữa cháy hiện đại nhất mà Đội đang quản lý và sử dụng là Xuồng cao tốc DT04 dài hơn 13 m, rộng hơn 4 m được cải hoán, lắp thêm các trang bị để phục vụ chữa cháy trên sông.
Theo Thiếu tá Lê Tuấn Anh - Đội trưởng cho biết, đơn vị đóng quân ngay tại Âu thuyền Thọ Quang, gần biển nên trụ sở làm việc cũng như các phương tiện phục vụ chữa cháy và CNCH xuống cấp rất nhanh. Ca-nô chữa cháy đã được trang cấp từ lâu, qua thời gian sử dụng nay đã xuống cấp, tốc độ không đảm bảo, các chức năng đã hỏng một phần. Công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện có phần khó khăn, do phương tiện phải hoạt động trong môi trường nước mặn, ô nhiễm, các vật dụng sắt nhanh gỉ sét dễ bị oxi hóa. Mặt khác, vì chưa có bến neo đậu cố định, phương tiện phải neo đậu nhờ Cầu cảng kinh tế, bị ảnh hưởng khi các Tàu khác ra vào neo đậu dẫn đến bị động trong công tác chữa cháy khi có sự cố.
Liên quan đến vấn đề Cầu cảng, theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2020, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Công trình Cầu cảng neo đậu các phương tiện sẵn sàng chữa cháy, CNCH tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang theo Quyết định số 4716/QĐ-UBND ngày 4/12/2020 với tổng mức đầu tư là 2,662 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố cấp tại Quyết định số 4858/QĐ-UBND ngày 14/12/2020 về việc giao chỉ tiêu ngân sách năm 2021. Tuy nhiên đến nay công trình vẫn chưa thể triển khai xây dựng do một số nguyên nhân khách quan.
Trước mắt, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH đã đề xuất lãnh đạo phòng tham mưu Giám đốc tham mưu UBND TP nhanh chóng triển khai xây dựng riêng 01 cầu phao chuyên phục vụ cho việc neo đầu xuồng và ca-nô tại phần nước đối diện cổng sau của Đội, thuận tiện cho việc di chuyển phương tiện chiến đấu xuống xuồng, ca-nô nhanh chóng, tiện việc trông coi, rút ngắn thời gian chuẩn bị phương tiện và xuất phương tiện tham gia chiến đấu. Đồng thời đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời quan tâm, giải quyết sớm các đề xuất của Đội để kịp thời bổ sung các trang thiết bị bị hư hỏng để kịp thời đưa vào thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Qua thực tế, đa số các vụ cháy tàu, cụm tàu đều phải huy động thêm sự hỗ trợ từ tàu của lực lượng Biên phòng, tàu của ngư dân. Đối với các vụ cháy tàu phức tạp, lực lượng chức năng phải tổ chức cắt dây để lai dắt tàu bị cháy vào bờ, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp trên bờ để dập lửa. Theo thống kê, trong năm 2023 tại TP Đà Nẵng xảy ra 3 vụ cháy tàu, làm thiệt hại 4 tàu cá và 2 ghe của ngư dân. Mới đây nhất, vào đêm 7-1-2024, xảy ra vụ cháy liên hoàn các tàu cá xảy ra tại khu vực gần cầu Mân Quang (quận Sơn Trà), làm thiệt hại 3 tàu cá của ngư dân, do thiếu phương tiện nên công tác chữa cháy kéo dài, dẫn đến thiệt hại đáng kể đối với tàu cá.
Về lâu về dài, thành phố cần quan tâm đầu tư, nâng cấp các phương tiện chữa cháy và CNCH khu vực thủy nội địa. Thiết nghĩ tàu chữa cháy chuyên dụng cần được đầu tư mua sắm sớm để phục vụ công tác chữa cháy và huấn luyện, đáp ứng được với yêu cầu trong tình hình hiện nay.
M.VINH