Căn nhà thú vị của Đống Lương Sơn

Thứ năm, 23/02/2023 18:17
Ở khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP Nha Trang, con đường A1 được biết đến như một con đường của những cơ quan, khá yên tĩnh phù hợp cho những người muốn thoát ra khỏi ồn ào phố thị. Trên con đường đó, có một căn nhà rất thú vị, căn nhà số 26. Bên trong căn nhà đó lưu giữ những món đồ như một bảo tàng thu nhỏ gắn với những câu chuyện kể. Chủ nhân căn nhà là ông Đống Lương Sơn- Chủ tịch Hội tem Khánh Hòa kiêm Chủ tịch Hội ái mộ Yersin, Khánh Hòa.
Bộ sưu tập đồ khui rượu.
Ông Đống Lương Sơn, chủ nhân căn nhà thú vị.

Nếu gặp ngoài đời, bạn cứ nghĩ ông Đống Lương Sơn là một Tổng giám đốc khách sạn, nay đã nghỉ hưu. Ông đã để lại dấu ấn trong thời gian 18 năm làm Tổng giám đốc khách sạn Yassaka - Sài Gòn- Nha Trang (Nha Trang) khi vào dịp Tết, kỷ lục bánh tét dài bắt đầu từ 29 mét đến 40 mét- cứ mỗi năm chiếc bánh tét dài thêm 1 mét trong 12 năm. Tạo một không khí lễ hội rộn ràng, bao nhiêu người mong đợi để hòa chung vào không khí nhộn nhịp, cùng mua một lát bánh tét ăn. Toàn bộ tiền bán bánh tét đều được sung vào quỹ từ thiện cho các hộ nghèo, một phần bánh cũng đem tặng các trại trẻ mồ côi.

Ông vừa tạo ra một kỷ lục vào năm 2022, đó là bộ sưu tập tem "Nghề của tôi" (My Job) đã đoạt đồng thời hai giải: Giải Mạ Vàng lớn (Large Vermeil) và Giải đặc biệt (Special Prize) trong Triển lãm tem thế giới Indonesia 2022 (INDONESIA 2022 World Stamp Championship Exhibiton). Triển lãm này diễn ra từ ngày 4-8 đến ngày 9-8-2022 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Jakarta, Indonesia với quy mô 2.084 khung trưng bày danh dự và dự thi của 506 nhà sưu tập đến từ 61 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là một bộ sưu tập tem công phu, và để thực hiện nó, ông đã sưu tầm tem khắp thế giới, với các chuyến đi đến 40 đất nước khác nhau.

Những cuốn sách của Bác sĩ Yersin.

Trong bao nhiêu năm làm nghề khách sạn, khởi đầu chỉ là một anh phụ bàn, lên lần lượt quản lý, phụ bếp và trở thành một Tổng giám đốc khách sạn, với ông, công việc đã giúp mình trở nên một nhà lãnh đạo, còn tạo điều kiện để lưu giữ những gì mình thích. Và, những bộ sưu tập của ông có thể nói là khó ai có được. Tôi nhớ ngay tại khách sạn Yassaka- Sài Gòn- Nha Trang hiện vẫn còn bộ sưu tập ốc biển của ông. Đây là bộ sưu tập với hàng trăm loài ốc biển khác nhau, ở nhiều vùng biển khác nhau, có cả ở Trường Sa, Hoàng Sa…

Bước chân vào căn nhà số 26 này, bạn sẽ nhận được một sự ngạc nhiên đến lạ. Bởi trong cuộc sống này, niềm đam mê sưu tập không phải là ít. Có thể là sưu tập những cây bút, sưu tập hộp quẹt, sưu tập những bài báo… Nhưng ở ngôi nhà của ông Đống Lương Sơn lại có nhiều bộ sưu tập khác nhau. Ông đã dành cả cuộc đời mình để lưu giữ, tạo cho căn nhà như một bảo tàng thu nhỏ. Mọi vật dụng được sưu tầm trang trí trong ba căn phòng khác nhau, để trong các tủ kính, trình bày vô cùng đẹp đẽ, bắt mắt.

Căn nhà chỉ có hai vợ chồng, vì hai đứa con đã lớn và làm việc nơi xa. Khách đến nhà, ông mở cửa, và cuộc thăm viếng khởi đầu, khách vào thang máy đi lên tầng hai, rồi từ đó đi lần xuống. Áp ngay bên vách tường của ngôi nhà đã là một bộ sưu tập, chính là những chiếc xe Chaly sản xuất trong nhiều thời gian khác nhau.

Bộ sưu tập tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ.

Là người ái mộ Bác sĩ (Bs) Yersin, trong căn nhà của mình, ông dành hẳn một căn phòng trang trọng để làm một Bảo tàng Yersin. Ở trong căn phòng đó, nổi bật là bức tượng đất nung phủ gốm đen chân dung Bs Yersin của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng. Một góc khác là những cuốn sách mà sinh thời khi còn ở Lầu ông Tư (Xóm Cồn) Bs Yersin để trên giá sách của mình. Ở trong không gian trang trọng đó, là bộ sưu tập tem khắp thế giới về Bs, những bức ảnh chân dung, những vật dụng sinh thời Bs Yersin đã dùng đến. Trong tủ kính, một con dấu rất quý giá, con dấu màu đen của Bs Yersin. Con dấu này Bs Yersin đã từng dùng trong thuở sinh thời của mình.

Trong căn nhà thú vị ấy còn gì nữa? Bạn sẽ gặp bất ngờ này đến bất ngờ khác, chỉ là không ngạc nhiên khi những bộ sưu tập dày công kia đều liên quan đến khách sạn và nhà hàng. Bạn đã từng uống bia, và bạn không chú ý đến những nắp chai. Với Đống Lương Sơn lại khác, cả trăm nắp chai bia, có cả nắp chai bia Tiger lô sản xuất đầu tiên, những nắp chai bia của những thương hiệu trên thế giới, được gom về. Và một góc khác là những miếng lót ly, đến những đồ khui rượu. Những bộ đồ khui rượu ấy như kể lại lịch sử của chính chúng. Có cái đẹp đẽ, có cái quen thuộc…, chúng ở lại trong bộ sưu tập của ông.

Bộ sưu tập đồ khui rượu.

Cuộc hành trình sưu tập miệt mài gần 40 năm, từ một chàng trai mơ giấc mộng thành phi công, rồi rẽ lái vào nghề với khởi đầu là bồi bàn, là người pha chế rượu, quản lý nhà hàng…Ông cũng đã ghé biết bao nhiêu thành phố lạ trên thế giới, ngủ đêm ở biết bao nhiêu khách sạn, và tinh tế mua hoặc đôi khi là nhặt lấy để có cả một không gian các hiện vật vô cùng độc đáo, khó ai có được. Đó là những chiếc ly uống rượu, những con búp bê nhỏ hay trưng bày trên kệ rượu, những vỏ chai rượu rất cổ. Một góc khác là những tờ tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ, góc khác nữa là những kỷ niệm chương, bằng khen của ông.

Ông tiễn tôi ra đường, tôi bảo với ông sẽ trở lại. Chắc chắn tôi sẽ trở lại ngôi nhà ấy. Ở nơi ấy không chỉ lưu giữ những món đồ, nó còn là những câu chuyện kể.

Khuê Việt Trường