Cân nhắc địa điểm đặt tượng "Người đàn ông cúi chào"

Thứ sáu, 05/04/2019 09:50

Thông tin về việc bức tượng "Người đàn ông cúi chào" của Chính phủ Hàn Quốc sẽ được đặt tại TP Huế đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều về các vị trí đề xuất đặt tượng cũng như cho rằng bức tượng quá lớn, khó phù hợp với không gian, cảnh quan của Huế. Hiện, có nhiều vị trí đặt tượng được đưa ra và đang chờ quyết định cuối cùng từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế.

Phối cảnh đề xuất vị trí đặt tượng Người đàn ông cúi chào tại công viên Lý Tự Trọng (trước Bệnh viện T.Ư Huế) cạnh sông Hương.

* Tác phẩm điêu khắc Người đàn ông cúi chào phía Hàn Quốc mong muốn tặng cho TP Huế nằm trong chương trình 1.000 bức tượng Người đàn ông cúi chào của Chính phủ Hàn Quốc tặng các nước trên thế giới để chuyển tải thông điệp văn hóa và giao lưu, hợp tác hữu nghị.

Bức tượng Người đàn ông cúi chào (Greeting-man) do ông Cho Kwang Han, Thị trưởng thành phố Namyangju (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) ngỏ ý muốn tặng TP Huế trong đợt đoàn đại biểu Namyangju đến thăm và ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị ngày 30-10-2018. Tượng điêu khắc Người đàn ông cúi chào của tác giả Yoo Young Ho được đúc bằng chất liệu nhôm và đá Machan (màu xanh da trời) với kích thước 2x2,4x6m, đường kính giá đỡ 4m truyền tải thông điệp tôn trọng và thấu hiểu, thể hiện phong cách chào hỏi khiêm nhường, tôn trọng đối tác của người Hàn Quốc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, TP Huế đã tạo được mối quan hệ khá tốt với một số địa phương của Hàn Quốc và cũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về bảo tồn di sản từ các thành phố này. Việc TP Huế đón nhận món quà là bức tượng Người đàn ông cúi chào phía TP Namyangigu (Hàn Quốc) tặng là một ứng xử rất văn hóa, thể hiện tình hữu nghị giữa 2 địa phương.

Cũng theo ông Hoa, đừng nên băn khoăn về hình tượng của bức tượng, bởi tác phẩm này đã được phía Hàn Quốc xem như là bản sắc văn hóa của họ. Trước đó, họ đã tặng bức tượng này cho nhiều thành phố khác trên thế giới nên cũng không có gì phải ngần ngại. Vấn đề là vị trí đặt tượng ở đâu cho phù hợp với văn hóa của thành phố di sản như Huế. Điều này cần được xem xét kỹ càng. Nhà nghiên cứu này nhìn nhận, bức tượng Người đàn ông cúi chào là tác phẩm nhân bản, là biểu tượng nghệ thuật mang tính chất phù hợp với kiến trúc đương đại. Trong khi tại TP Huế có khu đô thị mới An Vân Dương đang phát triển, hiện đã có Trung tâm hành chính của TP Huế và trong tương lai các cơ quan hành chính của tỉnh đều tập trung về đây. Vì vậy, chọn vị trí ở khu đô thị này để đặt tượng cũng là hợp lý, không ảnh hưởng gì đến nét văn hóa di sản. "Nhìn vào thì nó như "trần truồng" nhưng bức tượng không đặc tả chi tiết. Đó chỉ là ngôn ngữ của nhà điêu khắc và nội dung thông điệp của nó cũng đã được cộng đồng xã hội tiếp nhận rồi"-nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

Bàn về hình tượng bức tượng "trần truồng" mà cộng đồng và dư luận quan tâm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng cho rằng đừng nhìn "trần truồng" là không có văn hóa như nhiều người vẫn nghĩ. Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, trên thế giới cũng đã có rất nhiều công viên tượng nude. Huế là trung tâm văn hóa quốc tế, đã có nhiều tác phẩm điêu khắc của nhiều nước trên thế giới qua các kỳ Festival, nên việc tiếp nhận bức tượng này cũng là chuyện bình thường. Khi tặng tượng, phía Hàn Quốc cũng đã gợi ý 3 vị trí đặt tượng (kinh thành Huế, chợ Đông Ba, công viên bờ Bắc sông Hương- đoạn đối diện Trung tâm Văn hóa TP Huế). Tuy nhiên họ cũng thông tin thêm để địa phương chọn vị trí đặt tượng phù hợp với văn hóa Huế. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Hàn Quốc vừa tài trợ cho Huế xây dựng cầu đi bộ ven bờ Nam sông Hương nên việc lựa chọn điểm đặt tượng cần gắn kết với công trình này, tức cũng ở ven sông Hương. Tuy nhiên, để phù hợp với quy hoạch dọc 2 bờ sông Hương thì tác phẩm này phải điều chỉnh kích thước, hạ độ cao từ 6 m xuống dưới 4m...

Tại cuộc họp lấy ý kiến của UBND TP Huế mới đây, nhiều nhân sĩ trí thức cũng bày tỏ nên đặt tượng gần với con đường đi bộ ven sông Hương. Ông Nguyễn Văn Thành-Chủ tịch UBND TP Huế nói rằng, sau khi tiếp thu nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, thành phố đã thống nhất sẽ chọn công viên bờ Nam sông Hương (đoạn đối diện Bệnh viện T.Ư Huế), cũng là điểm cuối của đường đi bộ trên sông Hương là nơi đặt bức tượng Người đàn ông cúi chào. Đồng thời, TP Huế cũng có đề nghị phía TP Namyangigu thu nhỏ kích thước của bức tượng nhằm phù hợp với cảnh quan tại Huế. Còn theo ông Cao Chí Hải-Phó Giám đốc Sở VH-TT TT-Huế: "Quan điểm của tôi là hoan nghênh việc trao tặng tác phẩm nghệ thuật này, qua đó nhằm thắt chặt mối quan hệ của 2 địa phương. Tuy nhiên bức tượng này quá to, cần phải thay đổi kích cỡ nhỏ hơn người thật, và nên đặt ở một công viên vui chơi nào đó khu vực phía Nam, chứ không nên đặt ven bờ sông Hương. Quanh bờ sông Hương chỉ có những bức tượng của các nhân vật liên quan đến Huế và mang nét văn hóa riêng"- ông Hải nói.

Liên quan đến việc "chốt" lại vị trí đặt bức tượng Người đàn ông cúi chào; chiều 3-4, UBND tỉnh TT-Huế đã có cuộc họp với UBND TP Huế (đơn vị được tặng tượng) cùng các sở, ngành đơn vị liên quan để lấy ý kiến vị trí đặt tượng. Ông Nguyễn Dung-Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết: "Đa số ý kiến tại cuộc họp đã đồng tình việc tiếp nhận tượng. Còn vị trí đặt tượng, UBND tỉnh TT-Huế sẽ tổng hợp để báo cáo xin ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Vị trí đặt tượng ở đâu sẽ do Thường vụ Tỉnh ủy quyết định và chỉ đạo". PGS-TS Đỗ Bang-Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TT-Huế cho biết, cuộc họp đã đưa ra dự kiến một trong 3 nơi đặt tượng là: Công viên Lý Tự Trọng (trước Bệnh viện T.Ư Huế), Công viên đối diện cồn Dã viên (phía bờ nam cầu Dã Viên) và trước nhà thi đấu (Trung tâm Thể thao)- đối diện trụ sở UBND TP Huế.

H.LAN