Cần tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi kết quả triển khai công tác dân vận

Thứ tư, 11/09/2024 06:38

Ngày 10-9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh chủ trì Tọa đàm Nâng cao hiệu quả triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền. Đồng chủ trì Tọa đàm có ông Trần Thắng Lợi, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Thắng Lợi, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy thông tin: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 10/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Sau hơn một năm thực hiện, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố đã triển khai hệ thống văn bản chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện Luật tương đối đầy đủ. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp, UBND các quận, huyện, UBND các xã, phường, các cơ quan ban, ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã nghiêm túc tổ chức thực hiện. “Tổ chức Tọa đàm lần này, Ban tổ chức mong muốn các đại biểu có thêm những ý kiến xác đáng, thiết thực và là tiếng nói trực tiếp từ cơ sở đối với việc thực hiện dân chủ và công tác dân vận. Thông qua các ý kiến tại Tọa đàm, các cơ quan lãnh đạo thành phố nắm thêm về những khó khăn, hạn chế từ thực tiễn triển khai, để đề ra các giải pháp trọng tâm, khả thi trong tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng công tác dân vận; không ngừng bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Đồng thời, tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước” – ông Lợi nói.

Trong số 17 tham luận ban tổ chức nhận được, tại Tọa đàm này đã có nhiều tham luận được trình bày với nội dung phong phú, phản ánh theo chủ đề được giao; đánh giá kết quả về tình hình triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền và những mô hình “Dân vận khéo”, cách làm hay, hiệu quả tại địa phương, đơn vị; những tồn tại, khó khăn, hạn chế; đồng thời, làm rõ nét thêm về công tác tổ chức tuyên truyền, thực hiện công tác dân vận, đảm bảo để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được đi vào cuộc sống.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh đánh giá các ý kiến phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng thời biểu dương những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở của các cấp ngành, địa phương, nhất là các mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Theo Phó bí thư Thường trực, thời gian qua, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn của thành ủy, UBND thành phố, tiếp tục thực hiện dân chủ trong mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội ngày 26-6-2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa, ban hành những chính sách phù hợp với phát triển của thành phố, xác định các chức năng, nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương, chú trọng các nội dung liên quan trực tiếp đến người dân như đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác tiếp công dân, giải quyết các đơn thư, khiếu nại của nhân dân, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải sát cơ sở, lắng nghe ý kiến từ cơ sở. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi kết quả triển khai công tác dân vận, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, công tác hậu kiểm cần được triển khai quyết liệt để xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc ở cơ sở; chú trọng triển khai các quy chế phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành để thực hiện hiệu quả nhất Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền..

CÔNG HẠNH