Cần tăng “sức đề kháng” của người dùng mạng xã hội trước những thông tin xấu, độc hại

Thứ tư, 24/02/2021 11:29

Mấy ngày nay, dư luận Việt Nam phẫn nộ khi ứng dụng cung cấp hình ảnh động (GIF) trên Facebook cung cấp một tập tin GIF chứa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bóp méo. Nhiều người dùng mạng xã hội Facebook đã bức xúc nhấn nút report (báo cáo) hình ảnh này cho nhà sản xuất.

Cộng đồng sử dụng mạng xã hội bức xúc và kêu gọi cùng report tới trang tạo ảnh GIF Tenor. (Ảnh chụp màn hình)

Hành vi đáng lên án

Ngay sau khi nhận được báo cáo về hình ảnh này, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã làm việc với Facebook, yêu cầu gỡ bỏ và truy xuất nguồn gốc của hình ảnh nói trên. Thông tin với báo chí, ông Lê Quan Tự Do- Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết ảnh GIF phản cảm nói trên nằm trên Tenor, một trong 2 nguồn cung cấp hình ảnh GIF trên Facebook (cùng Giphy), và có khả năng do đối tượng xấu từ nước ngoài đăng tải.

Hiện nay, ở nước ta đang tồn tại 2 loại mạng xã hội, một là các mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Hai là các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như: Facebook, YouTube, Instagram, Twitter...

“Internet là một môi trường không biên giới. Việc quản lý mạng xã hội nước ngoài hiện có một số bất cập hạn chế do vậy có lỗ hổng khiến thông tin xấu phát tán. Rất khó để lường trước và ngăn chặn những thông tin này, tuy nhiên chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành truy tìm nguồn gốc của hình ảnh này và xử lý theo pháp luật”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Trên thực tế, hành vi xuyên tạc, bôi xấu hình ảnh lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước không mới. Các thế lực thù địch nhiều năm qua vẫn luôn chống phá và có nhiều động thái làm méo mó hình ảnh thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ cũng như chủ quyền quốc gia. Do đó, trong tương lai, để quản lý hiệu quả hơn nội dung trên mạng xã hội, ông Do cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, chẳng hạn như yêu cầu thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Trong vụ việc lần này, hình ảnh Bác Hồ bị bóp méo thuộc kho GIF của Tenor, đồng nghĩa với việc bên có quyền sở hữu cũng như gỡ bỏ hình ảnh này thuộc về Tenor chứ không phải Facebook. Tuy nhiên, Facebook cũng phải chịu trách nhiệm khi thiếu kiểm duyệt để xảy ra việc đối tác của mình (Tenor) đăng tải một tệp GIF có nội dung xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh một cách nghiêm trọng.

Cần nhiều bên phối hợp để ngăn chặn thông tin xấu

Theo Luật An ninh mạng năm 2018, hành vi đưa thông tin, hình ảnh xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác là hành vi bị nghiêm cấm tại Điểm d, Khoản 1 Điều 8. Luật này cũng đã ban hành các biện pháp để bảo vệ an ninh mạng, trong đó bao gồm biện pháp kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng. Trách nhiệm này được giao cho các cơ quan nhà nước cùng phối hợp thực hiện để bảo vệ cho không gian mạng đảm bảo, trong sạch.

Tuy nhiên, những người sử dụng không gian mạng cần phối hợp, giúp đỡ các cơ quan quản lý, kịp thời phát hiện, báo cáo những hành vi, hình ảnh, thông tin sai trái để các cơ quan quản lý kịp thời tiếp nhận và có những biện pháp khẩn cấp ngăn ngừa, khắc phục. Về xử phạt hành chính, hành vi xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng. Về xử lý hình sự, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Mạng xã hội là phương tiện để tiếp cận với thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của nó sẽ tạo ra hậu quả khôn lường nếu như chúng ta mất cảnh giác. Do vậy, trước hết, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng này để không bị mắc bẫy, lôi kéo. Nhà chức trách cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức và kỹ năng, để mỗi công dân trở thành một người dùng mạng xã hội thông thái, có “sức đề kháng” và khả năng phân biệt thông tin chính thống với thông tin xấu, độc.

Do vậy, mỗi công dân cần có trách nhiệm với những nội dung mình đăng tải và tiếp cận. Khi phát hiện những thông tin, hình ảnh sai lệch, vi phạm người dùng cần báo cáo ngay trên nền tảng mạng xã hội mình đang sử dụng và yêu cầu nền tảng đó gỡ bỏ nội dung. Trường hợp nội dung đó vẫn xuất hiện, người dùng có thể báo đến cơ quan có thẩm quyền để đưa ra biện pháp giải quyết.

V.NP