Cần tăng tốc giải ngân đầu tư công

Thứ bảy, 08/07/2023 06:42
Đến 30-6 Đà Nẵng mới giải ngân đầu tư công đạt hơn 1.530 tỷ đồng, bằng 19,3% kế hoạch giao năm 2023. Đà Nẵng vẫn giữ mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch năm, do đó đặt áp lực nên những tháng còn lại rất lớn.
Dự án Bến cảng Liên Chiểu đã giải ngân được 370 tỷ đồng.
Dự án Bến cảng Liên Chiểu đã giải ngân được 370 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch thì việc khơi thông nguồn lực đầu tư công để dẫn dắt tăng trưởng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm với Đà Nẵng. Do đó, ngay từ đầu năm thành phố đã khẩn trương yêu cầu công khai và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định cho các nhiệm vụ, dự án đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, các công trình động lực, trọng điểm… Theo kế hoạch, năm 2023 Đà Nẵng thực hiện hơn 8.258 tỷ đồng đầu tư công (gồm cả vốn kéo dài chuyển từ năm trước sang), trong đó 30 công trình, dự án động lực, trọng điểm được phân bổ vốn năm 2023 hơn 2,4 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, các dự án động lực đã giải ngân hơn 20% (hơn 510 tỷ đồng), nổi bật như Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình tại Bệnh viện Đà Nẵng (100 tỷ đồng, 31%); Hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam (305 tỷ đồng, 19%); Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (370 tỷ đồng, 12%); Đầu tư xây dựng Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (160 tỷ đồng, 21%). Bên cạnh đó, một số dự án chậm giải ngân như Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) chưa giải ngân 130 tỷ đồng; Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng (3%); Đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu (2%); Nhà máy nước Hòa Liên (1%)... Các dự án chậm giải ngân chủ yếu do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, vướng mắc về thủ tục và là dự án khởi công mới...

Ghi nhận tại nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Đà Nẵng, các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Đơn cử tại dự án cảng Liên Chiểu, hiện 3 mũi thi công đã dần hình thành bến cảng. Những ngày này, mặc thời tiết nắng nóng, hàng chục xe tải ben, xe ủi, xe đầm, xe múc… hoạt động hết công suất trên công trường bến cảng Liên Chiểu. Hiện các hạng mục như xây kè và đê chắn sóng dài gần 1,2km; luồng tàu dài 7,3 km đang dần hình thành. Đến nay, hạng mục đê chắn sóng hoàn thành khoảng 70% khối lượng thay móng đê và 20% thi công đê; hoàn thành nạo vét móng đê và thi công bãi chứa bùn; hoàn thành khoảng 80% hạng mục đường giao thông. Đây là dự án nằm trong quy hoạch trở thành cảng nước sâu đón tàu có trọng tải lớn và dần thay thế cảng Tiên Sa hiện hữu sẽ trở thành cảng chuyên đón tàu du lịch và được coi là sự kiện tiền đề để thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là việc chưa thể phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao từ đầu năm (còn 1.296 tỷ đồng). Như vậy, khả năng “hấp thụ” kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm của thành phố trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương đối chậm, các dự án sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư tốn nhiều thời gian, các bước để được phê duyệt dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật để đảm bảo điều kiện được bố trí kế hoạch vốn trong năm theo quy định. Ngoài ra, khó khăn do các thủ tục và thời gian thực hiện từ bước phê duyệt dự án đến bước triển khai thi công tốn nhiều thời gian, phải lấy ý kiến nhiều đơn vị; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng kéo dài; khó khăn về giá nguyên nhiên vật liệu, giá xăng dầu tăng, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng theo thời điểm... Chưa kể, nhiều dự án không triển khai phê duyệt quy hoạch chi tiết được vì vướng quy hoạch phân khu, quy hoạch chung; một số công trình y tế có vốn lớn khi thi công thường phải điều chỉnh thiết kế dự toán cho phù hợp; các dự án môi trường gặp khó về phương án giá do chưa có định mức của ngành…

Với tiến độ giải ngân chậm, kế hoạch vốn không đổi, Đà Nẵng đã đặt ra nhiều giải pháp, áp tiến độ cụ thể đến cuối tháng 9 phải giải ngân đạt 80% và 31-1 năm sau phải đạt 100%. Trong đó, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa; giám sát, đôn đốc nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị… tổ chức tăng ca; rà soát, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn với các công trình chậm hoặc khó có khả năng giải ngân để bổ sung cho các công trình, dự án có nhu cầu. Đặc biệt, Đà Nẵng yêu cầu tập trung đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình lớn như đường Vành đai phía Tây 2, tuyến cống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành; khu tái định cư phục vụ giải tỏa Khu công nghiệp Hòa Ninh, trạm xử lý nước thải Hòa Xuân giai đoạn 3... Tổng cộng phải hoàn thành 38 công trình và khởi công 27 công trình mới theo cam kết trong năm. Đà Nẵng cũng yêu cầu các tổ công tác liên ngành tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới đất đai, quy hoạch, tài chính, xây dựng với các dự án, khu đất trên địa bàn TP.

Với các nhóm giải pháp đồng bộ, nhiều dự án đầu tư công động lực tại Đà Nẵng được kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới, đảm bảo giải ngân đạt 100% kế hoạch năm 2023.

HẢI QUỲNH